Doanh nghiệp khẩu trang bùng sáng sau nhiều năm le lói
Khẩu trang – vật dụng y tế được khuyến cáo sử dụng khi COVID-19 bùng phát. Thấy được cơ hội, Tổng CTCP Y tế Danameco (HNX: DNM) đã tăng cường sản xuất và kinh doanh khẩu trang y tế và thu về lãi khủng trong kỳ.
Cụ thể, trong quý 1, Danameco ghi nhận tổng cộng 127 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 3 lần so với kỳ năm trước. Nhờ đó lợi nhuận gộp tăng 2,4 lần, đạt hơn 24 tỷ đồng.
Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh lên gần 12 tỷ đồng từ mức 8 tỷ đồng. Tuy vậy, Công ty vẫn ghi nhận lãi ròng trong quý 1 gấp 8 lần so cùng kỳ, đạt trên 8 tỷ đồng, con số lãi này gần bằng với số lãi mà Công ty thu về trong cả năm 2019.
Theo lãnh đạo Danameco, dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm nên Công ty đã tập trung đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, trang phục chống dịch… khiến doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ quý trước.
Ngoài ra, Công ty cũng tận dụng cơ hội này để đầu tư máy móc thiết bị, tăng cường sản xuất và mở rộng thị trường. Điều này đã giúp doanh số công ty tăng 225% và lợi nhuận sau thuế tăng 650%.
Mới đây, Hội đồng quản trị Danameco đã phê duyệt phương án đầu tư 80 tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất khẩu trang tự động tại Nhà máy sản xuất vật tư Y tế Quảng Nam và chi 20 tỷ đồng cho tiến trình sửa chữa cải thiện phân xưởng thuộc nhà máy này.
Công ty còn thống nhất danh mục thanh lý tài sản cố định và công cụ dụng cụ của phân xưởng may thuộc nhà máy Quảng Nam; đồng thời xúc tiến hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy tại nhà máy Hòa Cường và Quảng Nam để đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị giao cho Ban Giám đốc và các bộ phân phối hợp nghiên cứu kịp thời tính cấp bách, đề xuất phương án đầu tư 4 - 6 dây chuyền sản xuất khẩu trang, các máy móc liên quan (máy đóng gói,…) để đảm bảo cung ứng đầy đủ các thiết bị và vật tư y tế phục vụ chống dịch COVID-19.
Quyết định đẩy mạnh sản xuất và đầu tư dây chuyền của Danameco bên cạnh tác động tích cực hỗ trợ phòng dịch COVID-19 cũng sẽ mang lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp này bởi DNM là nhà sản xuất vật tư y tế trong đó có khẩu trang, găng tay, mặt nạ thở oxy… và thậm chí là trang phục chống dịch.
|
Mặt hàng khẩu trang y tế giúp DNM thắng lớn mùa dịch. |
Doanh nghiệp buôn nước rửa tay, xà phòng cũng thu về quả ngọt
CTCP Bột giặt Lix (HoSE: LIX), thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam, đã gây nhiều tranh cãi khi đưa ra thị trường sản phẩm gel rửa tay khô On1 có khả năng làm “sạch khuẩn 99,9%” nhưng chưa chứng minh được công dụng làm sạch khuẩn của sản phẩm.
Mặc dù nhận nhiều ý kiến trái chiều xung quanh sản phẩm gel rửa tay khô "ăn theo" đại dịch COVID-19 nhưng Bột giặt Lix vẫn báo lãi ròng đột biến trong quý 1/2020.
Cụ thể, Bột giặt Lix ghi nhận tới 880 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng mạnh gần 84% so với cùng kỳ năm 2019. Cơ cấu doanh thu của Lix vẫn chủ yếu ở khu vực nội địa khi chiếm 775,6 tỷ đồng.
Giá vốn cũng tăng 27% khi chiếm 573 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận gộp của Lix vẫn đạt tới 307 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ.
Doanh thu tăng đồng nghĩa với chi phí bán hàng của Lix cũng tăng vọt gấp 3,8 lần lên 193 tỷ đồng.
Sau cùng, Lix ghi nhận 64 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 1,6 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận trong quý cao nhất tính từ quý 1/2016 đến nay.
Cùng nhóm ngành nghề và cũng báo lãi cực khủng trong quý 1 là CTCP Bột giặt Net (HoSE: NET) với mức lãi ròng gấp đôi so với cùng kỳ lên mức 32 tỷ đồng – mức lợi nhuận cao nhất của Công ty đạt được trong quý.
Theo Bột giặt Net, sở dĩ kỳ này hoạt động kinh doanh khả quan do sản lượng tiêu thụ tăng.
Đáng nói, Bột giặt Net chỉ mới về tay Masan hồi tháng 2/2020 sau khi một công ty con của Tập đoàn này chi khoảng 46 triệu USD để thâu tóm.
Hiện Công ty TNHH Masan HPC (thuộc Tập đoàn Masan - MSN) là cổ đông nắm giữ chi phối Bột giặt Net với 52,25% vốn, tiếp đến là Tập đoàn Hoá chất Việt Nam với 36%.
Ngành điện nước cũng reo vui
Nhiều công ty kinh doanh trong ngành điện nước đều tăng trưởng doanh thu nhờ giá bán và sản lượng tăng cao hơn.
Cụ thể, CTCP Cấp nước Thủ Đức (HoSE: TDW) ghi nhận doanh thu quý 1 tăng 21% lên hơn 243 tỷ đồng do sản lượng nước tiêu thụ tăng gần 10% và giá bán nước sạch tăng theo quy định mới. Riêng doanh thu từ cấp nước đã chiếm gần 242 tỷ đồng. Điều này giúp TDW có lợi nhuận trước thuế gần 13 tỷ đồng, tăng 83% so với quý 1/2019.
CTCP Cấp nước Bến Thành (HNX: BTW) ghi nhận doanh thu quý đầu năm tăng 14% lên 129 tỷ đồng nhờ sản lượng và đơn giá cùng tăng. Lợi nhuận sau thuế tăng 104% lên gần 21 tỷ đồng.
CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND) thì ghi nhận doanh thu quý 1/2020 tăng 24% so với cùng kỳ năm 2019, lên 3.024 tỷ đồng. Kết quả HND có lợi nhuận sau thuế gấp đôi, lên mức 200 tỷ đồng. Theo HND, doanh thu tăng nhờ sản lượng điện thực phát tăng 392,4 triệu kWh so với cùng kỳ năm trước và chi phí lãi vay giảm 24 tỷ đồng do dư nợ vay dài hạn giảm dần...
Tương tự, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) cũng ghi nhận doanh thu thuần quý 1 đạt 2.233 tỷ đồng, tăng 31% và ghi nhận lợi nhuận sau thuế 135 tỷ đồng.
Anh Nhi