Doanh nghiệp Việt với các dự án cao tốc trọng điểm của đất nước

Google News

Hiện tại, hầu hết các dự án cao tốc trọng điểm quốc gia đều đang được các doanh nghiệp trong nước đảm nhận. Đây là một bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định tầm vóc, sức mạnh của doanh nghiệp Việt.

Hiện các nhà thầu trên các dự án cao tốc và hạ tầng đang trong giai đoạn chạy hết tốc lực nhằm đảm bảo tiến độ về đích; đặc biệt trong giai đoạn thời tiết có nhiều diễn biến bất thường trên cả nước. Ngoài ra, nguồn nguyên vật liệu cung ứng cho ngành xây dựng đang khan hiếm, cũng như cuộc chạy đua về tiến độ giải phóng mặt bằng.
Vì vậy, thời gian tới đây, khi các dự án cao tốc toàn tuyến hoàn thiện sẽ tạo nên bộ mặt mới cho hệ thống hạ tầng, giao thông Quốc gia.
Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp Việt bước lên vị thế mới, nắm giữ những vị trí quan trọng để thực hiện các mục tiêu hoàn thiện về hạ tầng.
Doanh nghiep Viet voi cac du an cao toc trong diem cua dat nuoc
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có chiều dài khoảng 117,5 km nối tỉnh Khánh Hòa - Đắk Lắk. 
Thời gian qua, các doanh nghiệp nội địa như: Tập đoàn Sơn Hải, Tập đoàn Đèo Cả, Đạt Phương, Trungnam E&C, … đã chạy đua không ngừng nghỉ để đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, nhân sự và cả trang thiết bị phục vụ tiến độ dự án. Hầu hết các doanh nghiệp này đều tận dụng mọi nguồn lực và năng lực vốn có, thông qua các dự án trước đó để đảm nhiệm một loạt dự án mới, đòi hỏi cao về chất lượng và tiến độ thực hiện.
Sự quyết tâm cao độ của các đơn vị cũng đã được thể hiện một lần nữa trong cuộc thị sát tại tuyến cao tốc Khánh Hoà – Buôn Mê Thuột vào trung tuần tháng 8 vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Ngay thời điểm thị sát, Tây Nguyên đang trong mùa mưa và có sự thay đổi thời tiết vô cùng khắc nghiệt, mưa kéo dài ở các vị trí thi công làm tiến độ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nhưng, các cung đường ở đây vẫn đảm bảo được chất lượng và thời gian thi công. Hiện tại dự án đang tiến hành thi công dầm ngang và bản mặt các cầu.
Đại diện đơn vị thi công, ông Vũ Đình Tân – Phó Giám đốc Trungnam E&C cho biết, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có chiều dài khoảng 117,5 km nối tỉnh Khánh Hòa - Đắk Lắk. Điểm đầu từ nút giao giữa Quốc lộ 26 B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối giao cắt tại km12+450 đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
“Trungnam EC là nhà thầu thi công gói xây lắp thành phần 03 có chiều dài 4,72 km, các hạng mục khó khăn nhất đã được chúng tôi hoàn thành vượt tiến độ đề ra, mặc dù thời tiết lúc này tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng có nhiều chuyển biến khó đoán với lượng mưa lớn, kéo dài và bất chợt hơn mọi năm, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thi công”, ông Vũ Đình Tân chia sẻ.
Doanh nghiep Viet voi cac du an cao toc trong diem cua dat nuoc-Hinh-2
 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ phát động thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”. (Ảnh: Nguyễn Tâm - Đinh Oanh)
Để khích lệ tinh thần của các đơn vị đang tiến hành xây dựng cao tốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động “Chiến dịch 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” với sự kết nối của 14 điểm cầu từ các tỉnh, thành khác.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong mọi trường hợp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm hiệp lực “chỉ bàn làm không bàn lùi”, “Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm”.
Buổi phát động đã khơi dậy tinh thần thi đua của các đơn vị đang thi công những tuyến đường trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và 14 tỉnh, thành khác trong tiến trình xây dựng hệ thống cao tốc Việt Nam. Hứa hẹn đây sẽ là một chiến dịch dài hơi và cần rất nhiều nguồn lực phối hợp, hỗ trợ để cùng đạt được mục tiêu.
Doanh nghiep Viet voi cac du an cao toc trong diem cua dat nuoc-Hinh-3
Cầu Mỹ Thuận 2 đóng vai trò điểm mấu chốt để thông toàn tuyến cao tốc từ TP. HCM đi Cần Thơ là cây cầu dây văng đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế, thi công.
Có thể thấy, với sự đa dạng trong các hạng mục thi công, các doanh nghiệp nội địa đang chứng minh được năng lực cạnh tranh và giá trị cốt lõi trong quá trình thi công các dự án trọng điểm. Đây cũng là điều tạo nên vị thế riêng, khẳng định trên những dự án thực tế, tạo ra giá trị trong sự phát triển kinh tế - xã hội.
Với tâm huyết và sự nỗ lực của một thế hệ người Việt hiện đại, có nhiệm vụ xây dựng và kiến tạo đất nước trong thời kỳ phát triển mới, chúng ta tự tin rằng, con đường phấn đấu để có một vị thế mới trên trường quốc tế được bắt đầu từ những nền tảng rất cơ bản về con người và các giá trị được tạo dựng nên bởi nguồn nội lực vốn có.
Như lời Thủ tướng đã chỉ đạo: “Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba khâu đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo nền móng vững chắc cho đất nước phát triển”. 
 
Lê Vũ - Thiên Bảo