Liên quan đến vụ thịt bẩn Brazil, thông tin đăng tải trên Infornet vừa qua cho hay, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức thực hiện việc kiểm soát thịt nhập về Việt Nam liệu có lô hàng nào từ 21 nhà máy đang bị các cơ quan chức năng của Brazil điều tra vì nghi ngờ sử dụng chất gây mất an toàn thực phẩm hay không.
Theo báo cáo của các cơ quan thú y cửa khẩu: Đến thời điểm hiện tại, không có bất kỳ lô hàng thịt nào có nguồn gốc từ 21 nhà máy của Brazil đang bị điều tra được nhập khẩu vào Việt Nam.
Cục Thú y khuyến cáo, nếu người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu thì nên đến các siêu thị, cửa hàng,… có uy tín để mua thịt; đồng thời cần xem xét kỹ nguồn gốc thịt (các thùng, kiện thịt nhập khẩu đều có nhãn mác ghi rõ ràng nguồn gốc xuất xứ thịt) để tránh bị các tổ chức, cá nhân gian lận thương mại.
|
Thịt từ Brazil bị nghi ngờ sử dụng chất cấm không an toàn cho sức khỏe khiến người tiêu dùng hoang mang. Ảnh minh họa: Internet |
Trước đó, ngày 23/3, Thứ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn - Vũ Văn Tám đã ký quyết định số 902 về việc tạm ngừng nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ Brazil.
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2017 cho thấy cả nước nhập khẩu 2,78 nghìn tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ từ Brazil, trị giá hơn 4 triệu USD.
Các loại thịt xuất xứ từ Brazil được nhập về Việt Nam từ đầu năm đến nay chủ yếu gồm: thịt, cánh gà và phụ phẩm khác của gà thuộc loài Gallus domesticus với 2,31 nghìn tấn, trị giá hơn 2,9 triệu USD; các loại thịt và phụ phẩm dạng thịt khác là 0,47 nghìn tấn, trị giá hơn 1 triệu USD.
|
Lượng và trị giá nhập khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ xuất xứ từ Brazil từ 01/2016- 15 ngày đầu tháng 3/2017. Nguồn: Tổng cục Hải quan/Zing. |
Được biết, năm 2016 cả nước cũng nhập khẩu một lượng lớn thịt và phụ phẩm dạng thịt xuất xứ từ Brazil với 21 nghìn tấn, trị giá gần 25 triệu USD, tăng 4,7% về trị giá so với năm 2015.
Sau bê bối nhiều công ty sản xuất thịt của Brazil (trong đó có 2 doanh nghiệp chiếm sản lượng lớn nhất là JBS và BRF) bị điều tra về hành động hối lộ nhân viên, để được cấp phép lưu thông và xuất khẩu thịt nhiễm bẩn.
Trước tình hình này, Thương vụ Việt Nam tại Brazil cũng đưa ra khuyến cáo: cơ quan chức năng siết chặt nhập khẩu thịt và sản phẩm từ thịt của quốc gia này, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong nước.
Bảo Ngọc (Tổng hợp)