Chiến lực quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021. Trong đó, đề ra các mục tiêu về thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát huy lợi thế cạnh tranh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sống.
|
Sản xuất xanh - Mắt xích quan trọng để tăng trưởng xanh. Ảnh minh họa |
Không chỉ riêng nông nghiệp, trong bối cảnh toàn cầu đang hướng đến tăng trưởng xanh bền vững và các giải pháp thân thiện với môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu, tất cả các lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, du lịch... đều chuyển hướng ưu tiên sang những mô hình, cách thức sản xuất xanh.
Xanh hóa sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm và phát thải nhà kính hướng tới tăng trưởng bền vững vừa giúp doanh nghiệp Việt hòa vào dòng chảy xu hướng thế giới vừa mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cả về kinh tế lẫn giá trị vô hình.
Tham gia vào chiến dịch sản xuất xanh, đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang chú trọng vào việc sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại; đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh.
Để phát triển doanh nghiệp xanh tại Việt Nam trong thời gian tới, Chính phủ, Nhà nước đưa ra chính sách phát triển sạch hướng tới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường, mặt khác đóng vai trò người tiêu dùng lớn có tác động đến thị hiếu mua sắm và tiêu dùng sản phẩm, kích cầu các sản phẩm thân thiện với môi trường. Trong khi đó, tại các doanh nghiệp xanh, việc thực hiện xanh hóa doanh nghiệp phải có sự thống nhất từ lãnh đạo xuống đến người lao động.
Bàn về cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người nông dân hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh, GS. TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng: "Cần đưa nông dân vào các hợp tác xã, tổ đoàn kết sản xuất... để cùng sản xuất theo quy trình nông nghiệp sạch. Khi nông dân cùng tham gia sản xuất với quy trình chuẩn thì sản phẩm của họ sẽ được tiêu thụ bởi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn với giá cao hơn. Từ đó, nông dân sẽ thấy rằng, làm theo nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh sẽ không bị thua lỗ nhờ giá sản phẩm cao hơn".
Cũng theo GS. TS Võ Tòng Xuân, vai trò của doanh nghiệp là chủ đạo. Nhà nước cần có những cơ chế chính sách khuyến kích, thu hút doanh nghiệp đi đầu trong xây dựng nền nông nghiệp xanh để họ mở thị trường.
Hoàng Minh (tổng hợp)