Doanh nghiệp khó tuyển lao động mùa dịch COVID-19: Cách nào gỡ rối?

Google News

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỷ lệ người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập ở Việt Nam có nhiều biến động, tăng cao. Việc tuyển lao động ở thời điểm này là rất khó khăn đối với các doanh nghiệp.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường lao động ở Việt Nam đã rơi vào tình trạng biến động, tỷ lệ thất nghiệp của người lao động ở khu vực thành thị theo đó tăng cao.
Doanh nghiep kho tuyen lao dong mua dich COVID-19: Cach nao go roi?
 Nhiều doanh nghiệp đang đưa ra nhiều giải pháp tuyển dụng lao động mùa dịch. (Ảnh minh họa).
“Khát" lao động chất lượng mùa dịch
Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm dự báo nguồn nhân lực đã nhận kết quả 125.277 người lao động bị mất việc, tạm nghỉ, giãn việc… sau khi khảo sát 4.140 doanh nghiệp, với tổng số 332.301 người lao động ở TP.HCM.
Lãnh đạo Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã tiếp nhận hơn 80.600 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhận gần 342.000 lượt người thông báo việc làm hàng tháng.
Tại Bình Dương, số lượng lao động thất nghiệp đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 28.364 người trong quý 2/2021, tăng 15.938 người so với quý 1 đầu năm. Trong khi, Bình Dương hiện có 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động đến từ nhiều tỉnh, thành trong nước.
Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, có gần 35.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có hơn 33.000 người đã có quyết định hưởng.
Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), quý 2 năm nay, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở quý này lên tới 57,4%, cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 48,6%, khu vực nông thôn là 64,5%.
Ông Son Jong Ho, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vina Union, Khu công nghiệp Bá Thiện II (Vĩnh Phúc) chia sẻ với truyền thông về việc tuyển lao động ở thời điểm này là rất khó khăn, bởi nguồn cung lao động ở tỉnh không còn dồi dào khi rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp đều có nhu cầu tuyển dụng để bổ sung nhân lực sản xuất các mặt hàng cuối năm.
Việc đi lại giữa các địa phương khó khăn, nhiều lao động ngoại tỉnh muốn vào Vĩnh Phúc làm việc nhưng lại không thể ở lại tỉnh do gia đình neo người, con cái còn nhỏ. Đặc biệt, một số lao động đã đăng ký sơ tuyển nhưng đến ngày phỏng vấn, tuyển dụng lại không đến do phải có phiếu test nhanh COVID-19 âm tính mới được vào phỏng vấn.
“Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài, doanh nghiệp sẽ không chỉ khó tuyển lao động mới mà việc giữ chân các lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh rất khó khăn do phần đông lao động đang độ tuổi sinh đẻ, con còn nhỏ hay ốm đau, khó tìm chỗ gửi trẻ”, ông Son Jong Ho nói.
Doanh nghiep kho tuyen lao dong mua dich COVID-19: Cach nao go roi?-Hinh-2
Việc tuyển lao động đối với các doanh nghiệp thời điểm này là rất khó khăn. (Nguồn ảnh: Vietnam+)
Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động
Nhằm đưa ra giải pháp hỗ trợ người lao động đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cũng như giải quyết thủ tục bảo hiểm thất nghiệp nhiều Trung tâm dịch vụ việc làm đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến, qua điện thoại, website. Đồng thời phối hợp với các huyện, thành phố ký kết thỏa thuận cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chia lao động thành các nhóm nhỏ để tư vấn.
Điển hình như ngày 22/7 vừa qua, 11 Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang và Tuyên Quang đã phối hợp tổ chức kết nối phiên giao dịch việc làm trực tuyến.
Có tới 95 doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch, với nhu cầu tuyển dụng lên đến 29.077 lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông tập trung trong các ngành nghề: điện tử, may mặc, sản xuất nhựa…
Riêng Hải Dương và Thái Nguyên có nhiều lao động tham gia phỏng vấn online đi các tỉnh khác. Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên là các địa phương được nhiều lao động lựa chọn phỏng vấn để đến làm việc. Kết quả đã có 91 lao động trúng tuyển ngay trong ngày diễn ra phiên giao dịch việc làm, có 73 lao động đựợc hẹn phỏng vấn tại doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, trong tháng 7/2021, toàn thành phố giải quyết việc làm cho trên 13.600 lao động. Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm hằng ngày theo hướng đồng bộ từ sàn trung tâm đến các sàn, điểm giao dịch việc làm vệ tinh trên địa bàn thành phố.
Toàn thành phố có 662 lượt đơn vị, cơ sở đào tạo tham gia với tổng 11.016 chỉ tiêu nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh; 3.748 lượt lao động được phỏng vấn kết nối việc làm và 1.322 lao động được nhận hồ sơ, tuyển dụng.
Lãnh đạo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, Trung tâm tiếp tục triển khai công tác thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động vào cơ sở dữ liệu cung và cầu. Đồng thời tổng hợp phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin thị trường lao động và tăng cường kết nối online cho doanh nghiệp và người lao động qua zalo, facebook.
Để tránh lây lan dịch bệnh và bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Trung tâm tạm dừng các giao dịch trực tiếp tại trụ sở chính, các cơ sở và điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh và chuyển sang giao dịch gián tiếp thông qua hình thức trực tuyến. Người lao động có thể gửi hồ sơ qua đường bưu điện; Thông báo tìm kiếm việc làm, thông báo trả kết quả qua zalo, email, điện thoại tới một trong 15 cơ sở, điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh của Trung tâm cho đến khi có thông báo mới.
Trung tâm đã lập số điện thoại đường dây nóng và 15 đầu số điện thoại của 15 điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh để kịp thời giải đáp, hỗ trợ người lao động. Bên cạnh đó, người lao động có thể xem và tải biểu mẫu tại website của trung tâm: http://vieclamhanoi.net/ để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, sau một năm chịu tác động của dịch COVID-19, tình hình của doanh nghiệp và người lao động hiện rất khác so với năm 2020. Rất nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ được, phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Về phía người lao động, cũng không thể ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc, vì diễn biến của dịch COVID-19 ngày càng phức tạp và kéo dài, buộc họ phải tìm kiếm việc làm mới tạm thời.

"Trước thực trạng này, việc đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, cần phải thay đổi theo hướng hỗ trợ phục hồi và phát triển, thay vì mục tiêu hỗ trợ thanh khoản để cầm cự như thời điểm một năm trước", ông Cung cho biết. 

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, chính sách hỗ trợ trong giai đoạn này, cần tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, thay vì hỗ trợ chung chung cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng sẽ khiến nguồn lực bị phân tán, dàn trải, kém hiệu quả. Các lĩnh vực được lựa chọn khuyến khích hỗ trợ, đầu tư phải là chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, những mô hình kinh doanh mới...

Khánh Hoài