Nằm lặng lẽ 1 góc ở vùng núi Cortenova, phía Đông hồ băng Como, hồ nước đẹp nhất nước Ý, biệt thự Villa de Vecchi mang phong cách kiến trúc Baroque cầu kì đã bị bỏ hoang hàng thập kỉ. Nơi đây còn được biết đến với tên gọi Ngôi nhà Đỏ, Biệt thự Đỏ, Ngôi nhà phù thủy.
Tòa biệt thự này vốn được xây dựng bởi một nhà quý tộc đã từng chu du vòng quanh thế giới, phục vụ trong quân đội trước khi trở lại quê hương.
Vẻ ngoài hoang sơ và u ám của toà nhà từng được coi là 1 trong những nơi sang trọng nhất nước Ý.
Tổng diện tích của toàn bộ khu dinh thự là 130.000 m2, vào thế kỷ thứ 19, Villa de Vecchi là biệt thự hoành tráng nhất của Bá tước Felix de Vecchi và gia đình ông.
Bản vẽ thiết kế dinh thự Villa de Vecchi.
Để xây dựng Villa de Vecchi, Bá tước Felix De Vecchi đã mời kiến trúc sư Alessandro Sidoli tới để xây dựng ngôi nhà nghỉ dưỡng lý tưởng cho mình cùng gia đình.
Villa de Vecchi được xây dựng theo lối kiến trúc Đông - Tây hài hòa, tỉ mỉ đến từng ngóc ngách.
Nó đồng thời còn được trang bị nội thất tối tân và hiện đại nhất thời bấy giờ, bao gồm hệ thống đường ống sưởi ấm ẩn trong tường và đài phun lợi dụng độ dốc trên sườn núi tạo áp lực nước, dinh thự này còn làm chủ nhân của nó hết sức tự hào với những bức tranh tường tuyệt đẹp, lò sưởi lớn cực kỳ tinh xảo cùng một cây đàn piano trang trọng đặt trong đại sảnh.
Những khu vườn và rừng thưa trang nhã được trồng lên, khu nhà của quản gia và người hầu cũng được xây dựng, biệt thự được trang hoàng hết sức xinh đẹp hứa hẹn các bữa tiệc mùa hè của dòng họ Vecchi sẽ phản ánh đúng nhất cuộc sống quý tộc nước Ý đầy hạnh phúc.
Nhưng kiến trúc sư Sidoli đã đột ngột qua đời 1 năm trước khi ngôi nhà được hoàn thành, không bao giờ kịp nhìn thấy kiệt tác cuối cùng của đời mình.
Sau đó, Villa de Vecchi được chuyển giao cho Biagio, người anh em của Bá tước. Biagio đã sửa lại khu mái vòm mang kiến trúc phương Đông của dinh thự thành vườn đá cuội. Gia đình của vị chủ nhân mới này thỉnh thoảng lại quay về ghé thăm dinh thự cho đến những năm 1940, sau đó Villa de Vecchi bị bỏ hoang trong suốt 20 năm tiếp theo.
Những câu chuyện ma quái ám lấy căn biệt thự xinh đẹp bắt đầu từ đó.
1 lần nọ, bá tước Vecchi trở về nhà chợt phát hiện người vợ thân yêu đã bị sát hại dã man, gương mặt bị phá hủy, còn cô con gái bé bỏng thì mất tích không có chút dấu vết.
Hoảng loạn, ông đã dành hàng tháng trời tìm kiếm đứa con gái của mình. Năm 1862, không thể chịu đựng cảnh người thân mất hết, bá tước Vecchi đã tự sát ngay tại dinh thự, qua đời khi mới 46 tuổi.
Song ở một câu chuyện khác, người ta kể lại rằng, Bá tước Felix muốn xây dựng Biệt Thự Đỏ vì nơi này có các mạch suối nước nóng chảy ngang. Nhưng vợ ông đã qua đời trước khi ông quyết định xây ngôi biệt thự này. Vào đầu những năm 1860, Bá tước đã bị bệnh nặng với chứng rối loạn gan mãn tính, ông đã dành những tháng cuối đời của mình để sống trong các ngôi biệt thự ở Milan và Cortenova, ngày ngày vẽ tranh và chăm sóc con cái của mình.
Được kế thừa qua lại giữa nhiều chủ nhân, Villa de Vecchi cuối cùng được biết đến như một Dinh thự ma, một ngôi nhà không người ở, ám ảnh bởi quá khứ đau thương.
Một vài hình ảnh ám ảnh của dinh thự Villa de Vecchi:
Mặc dù có diện tích lớn, nhưng chưa 1 nhà đầu tư nào muốn bỏ tiền để mua lại hệ sinh thái đẹp mơ mộng ma mị bên cạnh hồ nước đẹp nhất nước Ý này.
Người ta đồn rằng, nhiều người lập dị đã tìm đến đây sử dụng ngôi nhà cho những nghi lễ thờ phụng quỷ Satan, nhiều vụ giết người và tự tử đã cũng bị cho là đã xảy ra ở đây. Đến bây giờ, thỉnh thoảng người ta vẫn nghe thấy tiếng đàn piano rợn người vang vọng từ biệt thự.
Hiện nay, Villa de Vecchi xuống cấp trầm trọng, bị phá hủy bởi thiên nhiên lẫn con người. Trái với vẻ ngoài xinh đẹp như một lâu đài cổ, bên trong dinh thự Villa de Vecchi hoang vắng như một nghĩa trang. Vào năm 2002, một trận tuyết lở lớn đã phá huỷ nhiều ngôi nhà ở Cortenova nhưng Biệt thự Đỏ vẫn sừng sững một cõi, không bị lay động.
Giờ đây chỉ còn cảnh tượng hoang tàn đổ nát, lâu đài bị lãng quên này trở thành miền đất hứa của các nhà thám hiểm đô thị, tuyệt nhiên không có bóng dáng của bất kỳ công ty bất động sản nào.
Theo Diệu Minh/ Người đưa tin