Mới đây, sau khi kiểm tra, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã nhắc nhở dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn chậm tiến độ nhiều lần, yêu cầu chủ đầu tư tăng cường nhân lực, vật lực, gấp rút triển khai thi công các hạng mục dự án, nhất là khu lò đốt. Chậm nhất ngày 1/5/2021, chủ đầu tư phải đưa nhà máy vào hoạt động.
Được biết, dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng bằng vốn nước ngoài. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý Hà Nội (gọi tắt Công ty Thiên Ý), Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.Hà Nội hồi cuối tháng 12/2019, chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành dự án vào tháng 8/2020; vận hành chính thức đốt rác phát điện vào đúng dịp tháng 10/2020. Tuy nhiên, đến nay, dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn vẫn chậm tiến độ.
|
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn vẫn chậm tiến độ. (Ảnh: Infonet). |
Theo tìm hiểu của PV, Công ty Thiên Ý được thành lập vào tháng 3/2018, địa chỉ tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn). Ngành nghề đăng ký hoạt động chính là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu.
Công ty Thiên Ý là Công ty con trực thuộc Công ty cổ phần Tian Ying Zhong Guo (viết tắt: CNTY), hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và năng lượng mới. Hiện tại, các dự án mà Tian Ying Zhong Guo đang đầu tư bao gồm: Các nhà máy điện đốt rác thải tại Như Đông Giang Tô, Khởi Đông Giang Tô, Hải An Giang Tô, Bình Triều Thâm Quyến (giai đoạn 2), Liên Giang Phúc Kiến, Tân Châu Sơn Đông, Liêu Nguyên Cát Lâm…
Ngoài các thông tin nêu trên, gần như các thông tin liên quan khác đến Công ty Thiên Ý không được truyền thông nhắc đến.
Với công suất tiêu thụ 4.000 tấn rác mỗi ngày/đêm, khi hoàn thành, Nhà máy điện rác Sóc Sơn được kỳ vọng sẽ giải quyết khâu xử lý rác thải sinh hoạt không phân loại cho 9 quận nội thành Hà Nội và 5 huyện (Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn). Lượng rác này sẽ được đốt để tạo ra 75 mW điện mỗi giờ.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, mỗi ngày Hà Nội có trung bình khoảng 6.000 tấn rác cần phải xử lý. Phần số khối lượng trên được xử lý theo hướng chôn lấp. Do vậy, dự án Nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn khi đi vào hoạt động sẽ được kỳ vọng giảm thiểu ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực cũng như mang lại giá trị kinh tế cho nhà đầu tư.
Khánh Hoài (tổng hợp)