Phản ánh với báo chí, doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu cho hay họ bị ăn chặn chiết khấu một cách trắng trợn trong nhiều năm qua. Đầu mối, thương nhân phân phối được quyền quyết định việc chia hay không chia chiết khấu cho DN bán lẻ và chia với tỉ lệ bao nhiêu. Đã có chuyện DN bán lẻ bị cắt chiết khấu còn 0 đồng hoặc chỉ được nhận mức "có cũng như không" là 100-200 đồng/lít - bằng 1/10 chi phí hoạt động. Đến khi bị tố, thương nhân phân phối lập tức tăng chiết khấu lên gấp hơn 10 lần, dù thị trường không có biến động đáng kể.
Chưa hết, đại lý bán lẻ không được chia phần chi phí định mức và lợi nhuận định mức đã được tính vào giá xăng theo quy định là 1.350 đồng cho cả 3 khâu: đầu mối, thương nhân phân phối và bán lẻ. Thế nhưng, khi kinh doanh thua lỗ, khu vực bán lẻ vẫn phải duy trì hoạt động, không được đóng cửa hàng, nếu không sẽ bị phạt; còn đầu mối, thương nhân phân phối lại đứng ngoài những áp lực này.
Cách vận hành thị trường như trên đã giúp DN đầu mối hưởng lãi bất chấp diễn biến bất lợi của thị trường, chỉ DN bán lẻ là chịu thua lỗ đến kiệt quệ.
Thị trường xăng dầu được biết đến là thị trường độc quyền nhóm với hơn 30 DN đầu mối bán buôn thống lĩnh thị trường. Khi thị trường thuận lợi, DN bán lẻ được hưởng lợi "lây" nhờ đầu mối bán buôn chia chiết khấu ở mức khá ổn. Đến giai đoạn khó khăn, dường như các "ông lớn" nhất loạt co cụm lại, bớt rộng rãi hơn, thậm chí ăn chặn chiết khấu của nhóm bán lẻ. Đẩy khó cho thị trường bán lẻ, khư khư giữ lợi ích cho mình, đó là cách hành xử của nhóm DN lớn độc quyền thị trường khi gặp diễn biến khách quan không thuận lợi.
Lúc này, DN bán lẻ - lực lượng có nhiệm vụ cung ứng xăng dầu cho từng tế bào của nền kinh tế, phục vụ cuộc sống của mỗi người dân, mỗi gia đình - trông chờ vào sự công bằng của pháp luật. Đáng tiếc là quy định hiện hành chưa bảo vệ và bảo đảm công bằng cho khu vực này. Ngược lại, thiếu quy định bảo đảm công bằng cho DN bán lẻ, DN nhỏ trước các DN đầu mối, DN lớn cũng tạo ra nguy cơ 2 khu vực này bắt tay với nhau khiến thị trường gánh chịu tình trạng "độc quyền kép".
Dự kiến hôm nay, 28/2, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về điều hành xăng dầu. DN bán lẻ và người tiêu dùng kỳ vọng phiên giải trình sẽ giúp làm sáng tỏ những vướng mắc trên thị trường, từ đó tìm được giải pháp củng cố chuỗi phân phối, tạo điều kiện cho DN kinh doanh bình đẳng, hợp pháp. Quan trọng và cấp thiết nhất là sớm sửa đổi Nghị định 95/2021 (sửa đổi Nghị định 83/2014) theo hướng đưa mặt hàng xăng dầu từng bước vận hành theo cơ chế thị trường, tôn trọng quy luật thị trường để giải quyết mối quan hệ kinh tế giữa các chủ thể tham gia thị trường. Khi đó, người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi.
Theo Thùy Dương/Người lao động