Thời gian vừa qua, Quốc hội đã chỉ ra hàng loạt siêu dự án có số vốn hàng nghìn tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản, tổn thất đến tài sản Nhà nước.
1. Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ
Trong hàng loạt siêu dự án lỗ nghìn tỷ đồng này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “đóng góp” tới 5 dự án. Đầu tiên phải kể đến Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ do Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) làm chủ đầu tư.
Cụ thể, thông tin trên VOV cho hay, theo kết luận Thanh tra Chính phủ, ngày 15/7/2007, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận hợp tác Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), đầu tư xây dựng nhà máy xơ sợi polyeste và thực hiện thủ tục pháp lý cho việc thành lập Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), đồng thời triển khai lựa chọn tư vấn nghiên cứu dự án khả thi.
|
Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ lỗ 1.472 tỷ, sai phạm trăm tỷ – Ảnh nguồn: VTC News. |
Năm 2008, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) phê duyệt dự án xơ sợi Đình Vũ với tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD, tương đương 5.437 tỷ đồng. Dự án có công suất 500 tấn xơ sợi/ngày và theo tính toán của chủ đầu tư, dự án được nghiệm thu sơ bộ vào tháng 8/2013 và dự kiến sẽ hoàn vốn toàn bộ sau thời gian 8 năm 8 tháng.
Tuy nhiên, dự án xơ sợi Đình Vũ từ khi chạy thử đến chính thức liên tục thua lỗ. Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà máy thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng. Do lỗ nặng, nhà máy chạy phập phù, đến cuối năm 2015 thì dừng hoạt động.
2. Dự án Ethanol Dung Quất
Tiếp đến là dự án nhiên liệu sinh học – ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi). Theo thông tin trên báo Thanh tra, tại dự án Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 1.800 tỷ đồng nhưng đã tăng vốn lên hơn 2.100 tỷ đồng.
Đơn vị được chỉ định thầu thực hiện dự án là Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật và xây lắp dầu khí (PTSC) cũng chưa có kinh nghiệm nên dự án bị chậm tiến độ, tăng chi phí cho chủ đầu tư. Chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí vốn vay tăng dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.
Thị trường tiêu thụ xăng E5 tại nước ta còn thấp, do đó việc tiêu thụ hạn chế, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí không vận hành thương mại nhưng vẫn phát sinh nhiều chi phí. Năm 2014 nhà máy lỗ khoảng 164 tỷ đồng.
3. Dự án Ethanol Bình Phước
Còn tại dự án Ethanol Bình Phước có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, sau đó đã tăng vốn lên hơn 1.700 tỷ đồng. Từ tháng 4/2013 đến nay, nhà máy này hầu như không vận hành thương mại, năm 2013 và 2014 dự án bị lỗ khoảng 400 tỷ đồng.
4. Dự án Ethanol Phú Thọ
Đặc biệt, dự án Ethanol Phú Thọ do Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng, sau đó bị đội lên thành gần 2.500 tỉ đồng. Sau khi PVC dừng thi công, dự án “đắp chiếu” nhưng chi phí phát sinh từ tháng 12/2011 đến tháng 12/2014 là 392 tỉ đồng. Đến nay, chủ đầu tư là PVB và nhà thầu PVC vẫn chưa có giải pháp gì, dự án ngày càng bế tắc, khắc phục được là rất khó khăn.
5. Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất
Trong số 5 dự án của ngành dầu khí, có thể nói dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất có “lịch sử” đặc biệt hơn. Đây là nhà máy từ Vinashin chuyển về cho Tập đoàn Dầu khí quản lý từ năm 2010 khi Vinashin bên bờ vực phá sản.
Thông tin trên Vietnamnet cho hay, Dự án được Vinashin thành lập từ 2006. Theo báo cáo tài chính tại thời điểm chuyển giao về PVN (30/6/2010), Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS)có lỗ luỹ kế lên tới 1.235 tỷ đồng và tổng khoản nợ phải trả là 7.440 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 4.800 tỷ đồng (70% vay bằng ngoại tệ). DQS được đánh giá là mất cân đối về tài chính, không có khả năng thanh toán nợ.
Cũng theo báo cáo tài chính này, vốn điều lệ của nhà máy này là 1.990 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.108 tỷ đồng. Công ty còn khoản lỗ luỹ kế hơn 3.674 tỷ đồng, trong đó lỗ phát sinh giai đoạn từ tháng 1/7/2010 đến ngày 30/6/2016 là 2.439 tỷ đồng.
6. Dự án Đạm Ninh Bình lỗ hơn 3.300 tỷ đồng
Cũng “nổi tiếng” không kém Dự án xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng (PVTex), Dự án Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng sau nhiều năm vận hành vẫn chưa thể hoàn thiện, vì còn vướng mắc với nhà thầu Trung Quốc. Ước tính dự án này đã lỗ hơn 3.300 tỷ đồng. Dự kiến năm 2017, nếu dừng chạy máy sẽ lỗ thêm 1.200 tỷ đồng.
|
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng – Ảnh nguồn: Xã luận. |
7. Nhà máy Bột giấy Phương Nam
Tương tự, theo thông tin trên Báo đầu tư, nhà máy Bột giấy Phương Nam được UBND tỉnh Long An phê duyệt dự án đầu tư vào cuối năm 2003 với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Sau gần 10 năm triển khai và "rót" vào gần 3.000 tỷ đồng, đến nay, công trình ngàn tỷ đang được xây dựng phương án thanh lý và phương án trả khối nợ "khổng lồ".
8. Dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2
Hay dự án máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Theo CafeF, Dự án Gang thép Thái Nguyên có số vốn đầu tư ban đầu là 3.800 tỷ đồng, sau hai lần dang dở, kéo dài thời gian triển khai thực hiện nên đã đội vốn thành hơn 8.000 tỷ đồng và 10 năm đã qua nhưng vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Hàng nghìn tỷ đồng thiết bị đang ngày một hoen gỉ và hoang tàn.
9. Dự án đạm DAP 1 Lào Cai
Theo thông tin trên Zing, cuối năm 2014, Công ty Cổ phần DAP số 2- VINACHEM thuộc Công ty TNHH MTV Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) tổ chức lễ xuất xưởng lô sản phẩm phân bón Điamôn Phốtphát (DAP) đầu tiên từ dây chuyền sản xuất DAP công suất 330.000 tấn/năm. Tuy nhiên, chỉ trong nửa đầu năm 2016, DAP Lào Cai đã lỗ 281 tỷ đồng. Mới đây, DAP Lào Cai cũng bị Thanh tra Bộ Xây Dựng chỉ ra nhiều sai phạm. Theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư DAP Lào Cai đã có nhiều sai sót, làm tăng tổng mức đầu tư gần 79,9 tỷ đồng.
10. Dự án nhà máy Đạm Hà Bắc
Cũng nằm trọng danh sách dự án lỗ nghìn tỷ, nhà máy Đạm Hà Bắc hình thành từ năm 1960, năm 2010, Công ty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Hanichemco) triển khai dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc với tổng vốn đầu tư 568 triệu USD. Theo báo cáo của công ty này , năm 2015, khi dự án đi vào hoạt động cũng là lúc công ty lâm vào thua lỗ nặng với con số 675 tỷ đồng. Năm 2016 số lỗ dự kiến khoảng 488 tỷ đồng.
11. DAP 2 Hải Phòng
Thông tin trên Zing cũng cho biết, DAP Hải Phòng thuộc Công ty cổ phần DAP - VINACHEM (MCK: DDV). Theo báo cáo tài chính của DAP - VINACHEM, tính đến 30/9/2016, công ty lỗ luỹ kế 321 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm xuống 1.145 tỷ đồng, giảm 24% so với thời điểm đầu năm. Nợ vay tài chính của DDV hiện đang ở mức 817 tỷ đồng, gồm gần 682 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và gần 135,4 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Chi phí tăng cao khi lãi suất vay vốn lưu động tại ngân hàng tăng do không có nguồn trả nợ đúng hạn, khiến nhà máy gặp khó khăn trong hoạt động tài chính.
12. Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy gang thép Lào Cai
Một dự án khác được cũng được nhắc đến là Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy gang thép Lào Cai - đây là dự án có vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung.
Theo thông tin trên Vietnamnet, Công ty này được thành lập năm 2006, là liên doanh giữa đối tác Việt Nam và Trung Quốc, cụ thể là Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel), Công ty Khoáng sản Lào Cai (LAMICO) và Công ty TNHH Khống chế cổ phần Gang thép Côn Minh, Trung Quốc (KISC).
Cuối 2014, nhà máy chính thức đi vào sản xuất. Nhưng phôi thép Trung Quốc ồ ạt nhập về khiến nhà máy không thể cạnh tranh nổi, lâm cảnh thua lỗ hàng trăm tỷ đồng. Từ khi Bộ Công Thương áp dụng thuế tự vệ đối với phôi thép (3/2016), công ty này đang hy vọng nhờ đó mà thoát lỗ.
Trước thực tế hàng loạt dự án thua lỗ, kém hiệu quả kể trên, theo thông tin trên VOV được biết, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Tới đây, hàng loạt dự án sẽ được đánh giá toàn bộ từ chủ trương đến đầu tư, vận hành, đưa ra giải pháp khắc phục. Trong đó có việc đàm phán với các đối tác về phương án hợp tác đầu tư và chuyển nhượng dự án. Không ngoại trừ có thể thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo qui định của pháp luật.
Thủy Vũ (tổng hợp)