Dư luận những ngày qua đang xôn xao trước thông tin Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại An Phát Thịnh (trụ sở chính tại 147 phố Chùa Hà, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; Văn phòng đại diện tại ngõ 25 Nguyễn Cơ Thạch, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị khách hàng “tố” kinh doanh đa cấp, lừa đảo?
Trước sự việc trên, thị trường Việt Nam từng xảy ra tình trạng các Công ty kinh doanh đa cấp vi phạm các quy định trong quá trình hoạt động, lừa dối khách hàng “sập bẫy” và bị cơ quan chức năng xử lý rất nặng.
“Ông trùm” đa cấp Liên Kết Việt lừa 68.000 người “sập bẫy”
Đến thời điểm này chắc chắn dư luận vẫn chưa thể quên vụ việc gây rúng động là “ông trùm” đa cấp Liên Kết Việt đã lừa 68.000 người “sập bẫy”.
Theo đó, từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang lợi dụng việc Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh hàng đa cấp đã cùng một số đối tượng dùng thủ đoạn gian dối, cung cấp thông tin sai lệch khiến nhà đầu tư nghĩ Liên Kết Việt là Công ty con của Công ty cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP thuộc Bộ Quốc phòng.
|
Lê Xuân Giang (áo xanh) cùng các đồng phạm sử dụng thủ đoạn gian dối khiến 68.000 người "sập bẫy" đa cấp. |
Cơ quan điều tra xác định, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã tìm mọi cách khiến đối tác nghĩ họ là cán bộ quân đội thực sự, còn các sản phẩm họ kinh doanh là sản phẩm được liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, cơ quan uy tín của Bộ Quốc phòng đã được thử nghiệm, và đưa vào sử dụng tại các bệnh viện Trung ương.
Những đối tượng này còn đặt làm giả bằng khen của Thủ tướng tặng cho Liên Kết Việt, Công ty BQP và triển khai 15 chương trình khuyến mại kích cầu, đưa ra những khoản khuyến mại lớn như nộp 7 triệu đồng sẽ được thưởng hơn 400 triệu đồng. Trường hợp vận động được nhiều người tham gia kinh doanh đa cấp sẽ được thưởng ôtô trị giá một tỷ đồng hoặc căn nhà trị giá 1,8 tỷ đồng để thuyết phục khách hàng.
Sau một năm hoạt động, với thủ đoạn trên, nhóm của Lê Xuân Giang đã mở 34 chi nhánh, văn phòng đại diện ở 27 địa phương, lôi kéo hơn 68.000 bị hại nộp tiền cho Liên Kết Việt. Trong đó, Cơ quan truy tố cáo buộc 7 bị can đã chiếm đoạt của các nạn nhân tổng số tiền hơn 1.121 tỷ đồng.
Lê Xuân Giang được xác định giữ vai trò chủ mưu trong vụ án này.
Phạt nặng, thu hồi giấy đăng ký hoạt động đa cấp Morinda Việt Nam
Hồi đầu tháng 2/2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), sau kiểm tra chuyên ngành (năm 2019) đã xử phạt 605 triệu đồng và quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp Công ty TNHH Morinda Việt Nam (địa chỉ tại quận Đống Đa, Hà Nội).
Tại thời điểm thanh tra, Công ty TNHH Morinda Việt Nam chuyên kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe và mỹ phẩm. Từ tháng 1/2018 đến thời điểm kiểm tra, tổng số người ký kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với công ty là 4.562 người. Doanh thu năm 2018 đạt 49 tỷ 345 triệu đồng.
|
Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam từng trao giải cho Công ty TNHH Morinda Việt Nam năm 2019. |
Quá trình thanh tra đã phát hiện 10 lỗi vi phạm theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP trong hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty này. Trong đó, có những lỗi như cung cấp thông tin gian dối trong hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; không thực hiện đúng quy tắc hoạt động đã đăng ký…
Công ty đa cấp Thiên Sư Việt Nam liên tiếp “ăn phạt”
Trong năm 2019, Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam (Công ty Thiên Sư; khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương) cũng là một trong số các Công ty kinh doanh đa cấp bị Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) xử phạt 585 triệu đồng vì có nhiều vi phạm trong quá trình hoạt động.
|
Một số thực phẩm chức năng của Thiên Sư Việt Nam. |
Cụ thể, hệ thống công nghệ thông tin của Công ty này không cung cấp cho người tham gia bán hàng đa cấp đầy đủ các thông tin cơ bản theo quy định. Trang thông tin điện tử không cập nhật danh sách đào tạo viên; không vận hành hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp; có người tham gia bán hàng đa cấp tại các tỉnh nơi công ty chưa được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Ngoài ra, Công ty đã ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với cá nhân không đủ điều kiện tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; không đăng ký sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi có thay đổi mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
Công ty Thiên Sư Việt Nam còn ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp không bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật; không thanh toán hoa hồng, tiền thưởng, khuyến mại và các lợi ích kinh tế khác bằng tiền cho người tham gia bán hàng đa cấp dưới hình thức chuyển khoản qua ngân hàng. Công ty chỉ định đào tạo viên không đáp ứng điều kiện của pháp luật để đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp.
Đáng chú ý là đây không phải lần đầu tiên Công ty Thiên Sư Việt Nam bị cơ quan chức năng xử phạt. Trước đó, năm 2016, Công ty này từng là một trong 4 Công ty bị các địa phương xử phạt hành chính nhiều nhất với tổng số tiền phạt lên đến 430 triệu đồng.
Được biết, năm 2018, doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Thiên Sư Việt Nam đạt hơn 167 tỷ đồng.
Cty đa cấp Mỹ phẩm Thường Xuân: Từ phạt nặng đến chấm dứt hoạt động
Trong tháng 2/2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có thông báo về việc, Cục tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân (Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận, TP HCM) giữa tháng 12/2019.
Tại thị trường Việt Nam, Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân là đơn vị phân phối mỹ phẩm Oriflame (Thụy Điển) từ năm 2002.
|
Mạng lưới đa cấp Mỹ phẩm Thường Xuân đã lôi kéo nhiều người tham gia trước khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp. (Ảnh minh họa). |
Năm 2018, Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân là doanh nghiệp kinh doanh đa cấp có số lượng người tham gia thị trường lớn nhất, gần 371.550 người, chiếm gần 53% tổng số người bán hàng đa cấp trên toàn quốc.
Công ty này còn nằm trong nhóm 4 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, năm 2018 Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân đã bị phạt 170 triệu đồng về vi phạm trong hoạt động như tổ chức bán hàng đa cấp khi chưa có xác nhận của cấp chính quyền, không đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, việc Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân chấm dứt hoạt động kinh doanh đa cấp không có nghĩa mỹ phẩm Oriflame dừng phân phối tại Việt Nam.
Năm 2019, hai Công ty kinh doanh đa cấp khác còn dính đòn phạt nặng gồm: Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam số tiền 250 triệu đồng và Công ty TNHH Người lái xe mặt trời Việt Nam số tiền 370 triệu đồng.
5 doanh nghiệp đa cấp “lọt tầm ngắm” thanh tra năm 2020
Hồi tháng 6/2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2020 sẽ triển khai hoạt động thanh tra chuyên ngành về việc chấp hành pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với 5 doanh nghiệp.
Hai doanh nghiệp đang được cơ quan này tiến hành thanh tra là là Công ty TNHH Nhượng quyền Toàn Thắng (địa chỉ số 87C Bờ bao Tân Thắng, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP HCM) và Công ty TNHH MTV Thương mại Mỹ Lợi (địa chỉ số 345/2 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM).
Trong quý 3/2020, cơ quan này sẽ tiếp tục tiến hành thanh tra đối với 3 doanh nghiệp khác gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam - Vinalink (địa chỉ: Lô C16/D21 KĐTM Cầu Giấy, phố Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội); Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam (địa chỉ: Số 89, Đường Xuân Hồng, phường 12, quận Tân Bình, TP HCM) và Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam (địa chỉ: 280 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3, TP HCM).
Khánh Hoài (T/H)