Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) suy giảm trong tháng 10 với tổng giá trị phát hành đạt 28,1 nghìn tỷ, giảm 24% so tháng trước với kỳ hạn bình quân là 3,19 năm.
Trong tháng 10, có tổng cộng 16 tổ chức phát hành, trong đó nhóm Tổ chức tín dụng có tỷ trọng cao nhất khi chiếm hơn một nửa giá trị phát hành (61%), tiếp sau đó là ngành Bất động sản (29%) và Năng lượng (8%).
Ngược lại, hoạt động mua lại trái phiếu chậm đi trong thời gian gần đây nhưng đã tăng lại trong tháng 10, đạt 15,4 nghìn tỷ đồng, tăng 57% so tháng trước. Lũy kế 10 tháng năm 2023, lượng TPDN mua lại đạt 194,4 tỷ đồng, tăng 22,3% so cùng kỳ.
|
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp mua lại |
Trong tháng 10, các ngân hàng đang tích cực mua lại trái phiếu trước hạn và phát hành kỳ hạn dài hơn do (1) Mặt bằng lãi suất suy giảm đáng kể so với giai đoạn trước và (2) Cơ cấu kỳ hạn để đáp ứng điều chỉnh tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 34% xuống 30%.
Vì vậy nếu không tính các hoạt động cơ cấu của các ngân hàng thì thị trường TPDN vẫn chưa thực sự cho thấy dấu hiệu phục hồi bền vững.
Hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra tích cực trong tháng 10/2023. Tính đến ngày 27/10/2023 đã có khoảng hơn 60 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX với tổng giá trị TPDN được gia hạn là khoảng 107 nghìn tỷ đồng.
Lượng trái phiếu đến hạn hạ nhiệt trong tháng 11
Áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 11/2023, trong khi hoạt động đàm phát gia hạn kỳ hạn trái phiếu vẫn duy trì tích cực trong tháng 10/2023.
Theo ước tính trong tháng 11/2023 sẽ có khoảng hơn 8,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, thấp hơn đáng kể so với giá trị đáo hạn trong các tháng vừa qua.
|
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn theo tháng |
Trong tháng 11, dự tính sẽ có khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, giảm 28% so tháng trước. Trong đó, nhóm Bất động sản chiếm 38%, Tổ chức tín dụng 35% và Thương mại dich vụ 15%.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) dẫn đầu danh sách với 1.000 tỷ trái phiếu đến hạn, tiếp theo là Tập đoàn Geleximco (996 tỷ) và CTCP Mặt trời Tây Ninh (800 tỷ), CTCP Hưng Thịnh Investment, CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TPHCM (FDC), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) và CTCP Chứng khoán Kỹ thương Việt Nam (TCBS).
|
Doanh nghiệp có lượng TPDN đáo hạn lớn trong tháng 11 |
Tính chung trong quý 4/2023, lượng TPDN đáo hạn đạt 32 nghìn tỷ, hạ nhiệt đáng kể so với quý trước.
Minh An