Tối ngày 9/11, Công an Hà Nội cho biết cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam bà Nguyễn Thị Loan (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex) về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, theo Điều 218 Bộ luật hình sự.
|
Bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex. |
Tìm hiểu của PV, Vimedimex hiện là một trong những công ty kinh doanh thuốc lớn nhất Việt Nam với doanh thu hàng chục nghìn tỷ mỗi năm. Tính đến ngày 30/6/2021, Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex chỉ có 5 cổ đông lớn sở hữu 75,3% vốn điều lệ của công ty. Trong đó, hai tổ chức là Công ty CP Dược Phẩm Vimedimex 2 và Tổng Công ty Dược Việt Nam sở hữu lần lượt là 45,34% và 10,23% vốn.
Ba cổ đông còn lại là ông Trần Kiên Cường, ông Lê Xuân Tùng và bà Trần Thị Đoan Trang sở hữu lần lượt 7,12%, 7,39% và 5,23%. Ông Lê Xuân Tùng là con trai là Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT của Y Dược phẩm Vimedimex. Bà Trần Thị Đoan Trang từ nhiệm thành viên HĐQT của Công ty từ ngày 13/2/2020.
Trên website vietpharm.com.vn giới thiệu, ban lãnh đạo của Vimedimex hiện có bà Nguyễn Thị Loan là Chủ tịch HĐQT; bà Nguyễn Ngọc Dung và ông Nguyễn Tiến Hùng là Phó Chủ tịch HĐQT; ông Lê Tiến Dũng và ông Trần Đình Huynh là Thành viên HĐQT.
Tổng giám đốc Vimedimex là bà Trần Mỹ Linh. Ngoài ra, bà Linh còn kiêm Chủ tịch Công ty TNHH - Trung tâm phân phối dược phẩm Vimedime.
Ngoài ra, Công ty Xuất nhập khẩu Y tế được thành lập năm 1984 là Công ty Xuất nhập khẩu đầu tiên của Bộ Y tế. Công ty cổ phần Dược phẩm Vimedimex 2 năm 45,34%, Trần Đình Huynh nắm 7 triệu cổ phiếu tương ứng 45,34%, Lê Xuân Tùng, tức con của bà Nguyễn Thị Loan nắm 7,39% vốn của doanh nghiệp.
Theo thông tin đăng ký kinh doanh, bà Nguyễn Thị Loan cũng là người đại diện pháp luật các doanh nghiệp khác như Quản lý quỹ quốc tế,Y tế Vime Saint Paul, Bất động sản Vimedimex Hòa Bình...
Trong vụ án bắt bà Nguyễn Thị Loan và các đồng phạm, cơ quan điều tra xác định tháng 8/2020, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh (Hà Nội) tổ chức đấu giá khu đất rộng 5 ha ở xã Cổ Dương. Ban đầu, Công ty CP Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định khu đất này có giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng.
Sau đó, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh và Công ty CP Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội được cho là dùng nhiều thủ đoạn thông đồng để hạ mức giá thẩm định một số thửa đất còn hơn 17 triệu đồng/m2. Trong khi, giá giao dịch thực tế tại thời điểm thẩm định khoảng 60-70 triệu đồng/m2.
Theo cơ quan điều tra, sau khi hội đồng thẩm định giá đất duyệt mức giá sàn hơn 18 triệu đồng/m2 để tổ chức đấu giá, bị can Nguyễn Thị Loan đã đưa 3 Công ty tham gia đấu giá. Sau đó, bà Loan chi phối Công ty cấp dưới rồi trúng đấu giá với mức hơn 20 triệu đồng/m2.
Một tháng sau khi trúng đấu giá và được bàn giao đất, bà Loan đã bán lại các thửa đất với giá hơn 110 triệu đồng/m2. Cơ quan điều tra xác định trong vụ án, 6 Công ty tham gia thì có 2 đơn vị không đủ điều kiện, một Công ty không tham gia. Còn lại 3 Công ty dưới quyền bà Loan đã dìm giá, thông đồng và dựng lên 41 Công ty khác để tham gia vào các phiên đấu giá.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.
Cùng tội danh trên, cơ quan Công an cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 người khác gồm: Vương Thị Thu Thủy, cán bộ Ban quản lý dự án huyện Đông Anh; Nguyễn Thị Diệu Linh, Tổng giám đốc Công ty CP Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội; Nguyễn Đức Phương và Nguyễn Ngọc Thắng cùng là thẩm định viên của Công ty CP Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội; 3 bị can khác thuộc các Công ty kinh doanh bất động sản.
Khánh Hoài