Những học trò “4 chân"
Từ sáng sớm, trên sân tập luyện của trung tâm PDS, anh Lưu Đắc Long (SN 1990, Ninh Bình) đã có mặt để kèm cặp học trò cưng của mình là chú chó Becgie Đức tinh nghịch.
Sau màn chào hỏi, đi, đứng... là các bài tập dành riêng cho chó nghiệp vụ dân sự như: Chạy qua vật cản, bảo vệ nhà cửa, bảo vệ thân chủ, săn bắt trộm cướp trong những tình huống giả định. Anh Long chia sẻ, những bài học này đều bám sát thực tế, dựa theo giáo trình của trung tâm và tương thích với từng tính cách của loài chó.
|
Các huấn luyện viên hướng dẫn "học trò" cưng trên sân tập. Ảnh: Lan Nhi
|
Có thâm niên hơn 10 năm huấn luyện chó nghiệp vụ, anh Long thường ví nôm na về nghề của mình là nghề “làm thân" cho chó cắn. Vì nếu không cẩn thận, người huấn luyện sẽ bị chính học trò của mình tấn công.
|
Qua việc tiếp cận, anh Long sẽ nắm bắt tâm lý của chó để đưa ra những bài tập phù hợp với thể lực. Ảnh: Lan Nhi
|
Muốn những chú chó phát huy được hết khả năng, có tính kỷ luật cao, trước hết, người huấn luyện như anh Long phải tạo được uy thế với "học trò" ngay từ ban đầu. Bởi, nếu tỏ ra thân thiết quá, những "học trò" này thường có xu hướng coi thường hiệu lệnh, được đà lấn tới.
Qua việc tiếp cận, thưởng - phạt rõ ràng, người huấn luyện sẽ phải theo dõi 24/24, nắm bắt tâm lý, thần kinh của chó để đưa ra những bài tập phù hợp với thể lực.
|
Những chú chó được các huấn luyện viên rèn thể lực, kỷ luật trong 3 tháng học tập. Ảnh: Lan Nhi
|
"Tâm lý loài chó rất phức tạp nhưng chúng cũng khá giống trẻ con. Muốn những chú chó ngoan ngoãn nghe lời, người nuôi nên đối xử công bằng, rõ ràng, không quá nuông chiều nhưng tuyệt đối đừng xa lánh, đánh đập chúng. Hết thời gian huấn luyện 3 tháng ở trung tâm, chú chó nào vượt qua được bài kiểm tra sẽ đủ điều kiện tốt nghiệp, được cấp bằng ra trường" - anh Long cho hay.
|
Sau 3 tháng huấn luyện, chú chó nào vượt qua được bài kiểm tra sẽ được tốt nghiệp ra trường. Ảnh: Lan Nhi
|
Là huấn luyện viên ngạch chó cảnh tại trung tâm PDS, em Lê Hồng Nhung (Học viện Nông nghiệp) cũng chia sẻ: "Ngoài việc dạy những kỹ năng cơ bản như đứng, nằm, ngồi, bò, sủa, cắp vật theo yêu cầu, người huấn luyện sẽ dạy thêm các động tác như đi bằng hai chân, bắt tay, chào hỏi chủ nhân. Dòng chó cảnh thường là dòng Chiahuahua, Dachshund, Toy Poodle, Samoyed… thích nghịch ngợm nên người huấn luyện phải rất kiên trì, mềm mỏng trong quá trình đào tạo".
|
Em Lê Hồng Nhung - huấn luyện viên ngạch chó cảnh - tại trung tâm PDS. Ảnh: Lan Nhi
|
Dịch vụ nở rộ
Những năm gần đây, dịch vụ huấn luyện chó biết trông nhà, bảo vệ chủ nhân tại TP.Hà Nội trở nên phổ biến. Bỏ ra một khoản tiền lớn để mua chó ngoại nhập, nhiều người còn sẵn sàng chi thêm từ 7 - 10 triệu đồng để huấn luyện cún cưng biết đi, đứng, ăn, ngủ đúng cách, bảo vệ nhà cửa, tài sản, thậm chí hiểu được cả... tiếng Anh.
Vừa mua một chú chó Chiahuahua, gia đình anh Trần Trung Kiên (SN 1980, quận Cầu Giấy) tâm sự: "Mặc dù nhà ở chung cư nhưng gia đình tôi rất thích nuôi chó cảnh. Để thú cưng tự giác, sạch sẽ, đi vệ sinh đúng nơi, đúng chỗ hơn nên tôi đã gửi chúng đến trường học thêm nhiều kỹ năng".
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm huấn luyện chó Nghiệp vụ PDS - cho biết: "Hiện nay, rất nhiều người có nhu cầu huấn luyện chó nghiệp vụ, chó cảnh. Tại trung tâm lúc có khoảng từ 80 - 100 chú chó được nhân viên đào tạo, huấn luyện những kỹ năng cơ bản như cứu hộ, cứu nạn, chống trộm, giúp đỡ người tàn tật, bảo vệ tài sản...
|
Những chú chó được đào tạo, huấn luyện năng cơ bản như cứu hộ, cứu nạn, chống trộm, bảo vệ tài sản... Ảnh: Lan Nhi
|
Theo đó, nhiều chú chó nghiệp vụ sau khi được huấn luyện ở trung tâm đã lập được nhiều chiến công, đóng góp cho các tổ chức, xã hội.
Ông Nguyễn Mạnh Hà kể về chiến công của một chú chó có tên Samurai, giống Rottweiler nhập từ Nga. Samurai đã từng bắt sống một trùm xã hội đen ở Bà Rịa - Vũng Tàu, một mình tấn công hơn 10 tên xã hội đen trang bị mã tấu ở Đồng Nai, làm cả bọn phải quăng hung khí, bỏ chạy thục mạng khỏi hiện trường.
Theo Lao Động