Những ngày này, các chợ đầu mối nông sản Long Biên, Dịch Vọng Hậu, Văn Quán (Hà Đông) trên địa bàn Hà Nội luôn nhộn nhịp từ 21h đêm đến sáng hôm sau. Bên cạnh đủ các chủng loại rau quả trong nước, rau quả Trung Quốc cũng rất đa dạng, từ cải bắp, củ cải đến táo, lê, bưởi, cam quýt…
Tràn ngập chợ
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, từ 21h, tại khu vực cổng ra vào chợ Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội, xe tải đã xếp hàng dài nối đuôi nhau vào chợ đổ hàng hoặc “ăn” hàng với đủ các loại biển số xe, từ Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình đến Lạng Sơn, Cao Bằng…
Hàng hóa rất phong phú, từ các loại trái cây cao cấp như nho Mỹ, cherry Mỹ, Australia, lê thiên đường, cam Australia đến các loại rau quả bình dân như hành, tỏi, cải bắp, súp lơ… đều có. Đa số là hàng nhập khẩu và lượng nhập từ Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Đáng lưu ý, theo khai báo của các doanh nghiệp nhập khẩu với Hải quan, nhiều loại nông sản Trung Quốc có giá rất rẻ. Khoai tây Trung Quốc nhập vào Việt Nam có giá khai báo chỉ 4.000 đồng/kg, hành tây 2.800 đồng/kg; cam có giá bình quân 3.700 đồng/kg, táo 2.900 đồng/kg, nho có giá nhập cao nhất nhưng cũng chỉ 10.000 đồng/kg.
Một tiểu thương tại chợ Long Biên cho biết, hàng về đến chợ còn nguyên bao bì, nhãn mác tiếng Trung Quốc, nhưng khi xuất lẻ, các tiểu thương gỡ bỏ hết bao bì, nhãn mác đi và “hô biến” thành hàng trong nước.
Vẫn câu chuyện thị trường
Trong bối cảnh rau quả Trung Quốc giá rẻ vẫn ùn ùn đổ về các chợ mỗi ngày thì rau quả trong nước được mùa, lượng cung dồi dào và giá rất rẻ.
Anh Nguyễn Văn Hải, Chủ nhiệm HTX Phương Bản, Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội thông tin, năm nay, thời tiết ấm nên rau vụ Đông cho năng suất khá ổn, từ các loại rau cải, đến cải bắp, su hào đều có lượng cung rất dồi dào. Hiện, xã viên của HTX Phương Bản bán cải bắp tại ruộng chỉ có giá 1.000-1.500 đồng/kg, su hào loại to được 3.000 đồng/củ, loại nhỏ 10.000 đồng/4 củ.
“Được mùa đấy, sản lượng rau nhiều nhưng giá rẻ lắm”, anh Nguyễn Văn Hải cho biết.
Tương tự, các loại cam, quýt như Cao Phong (Hòa Bình), Hàm Yên (Tuyên Quang), cam sành (Hà Giang), quýt Văn Giang (Hưng Yên), bưởi Diễn… năm nay đều được mùa, sản lượng nhiều và giá không cao do phải cạnh tranh với giá cam, quýt, bưởi từ Trung Quốc với giá rẻ hơn.
Theo GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, có 2 vấn đề trong việc nông sản Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam bất chấp sản phẩm tương tự trong nước đang rất sẵn. “Thứ nhất là do ý thức của thương nhân, thấy rẻ là mua vào không cần biết đến xuất xứ. Thứ hai, chúng ta chưa có chế tài kiểm soát chặt chẽ.
Nếu nhập rau quả Trung Quốc chính ngạch thì có kiểm soát, nhưng nhập đường tiểu ngạch thì không kiểm soát được chất lượng, số lượng”, GS.VS Trần Đình Long nhìn nhận.
Ngoài ra, khâu điều tiết, phân phối thị trường hiện còn kém. GS.VS Trần Đình Long nhận định: “Chúng ta thiếu sự liên kết với nhau để hình thành chuỗi, quản lý về chất lượng và số lượng. Chính vì vậy, tình trạng “được mùa, mất giá” hay bị thương lái ép giá ngay cả khi mất mùa vẫn là một nỗi lo lớn với nông dân”.
Theo ANTĐ