Đề xuất TP.HCM cho hàng quán ăn uống phục vụ tại chỗ đến 21h

Google News

Sở Công Thương TP.HCM vừa có văn bản đề xuất TP cho phép cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ hoạt động tối đa 50% công suất, đóng cửa trước 21h.

Theo công văn đề xuất do Sở Công Thương gửi UBND TP.HCM, hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ và phải đáp ứng các quy định theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM ban hành. Ngoài ra, các cơ sở chỉ hoạt động đến 21h, không quá 50% công suất và không bán, không sử dụng đồ uống có cồn.

Căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch bệnh tại các địa bàn, Sở Công Thương đề nghị TP.HCM cho phép quận 7 và TP Thủ Đức được thí điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn tại một số địa bàn do Chủ tịch UBND quận 7 và TP Thủ Đức quyết định.

De xuat TP.HCM cho hang quan an uong phuc vu tai cho den 21h

Dù được mở lại gần một tháng qua nhưng hàng quán tại TP.HCM vẫn chỉ được bán mang đi. Ảnh: Phương Lâm.

Theo thông báo ngày 24/10, TP.HCM đang ở cấp độ 2. Trong 22 địa phương cấp quận, huyện, 9 đơn vị đạt cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), 12 địa phương đạt cấp độ 2 (màu vàng - nguy cơ trung bình), 1 địa phương ở cấp độ 3 (màu cam - nguy cơ cao).

Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định các địa bàn từ cấp 3 xuống cấp 2 có thể thay đổi một số biện pháp. Cụ thể, một số lĩnh vực có thể hoạt động hoặc hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế như: Ăn uống tại chỗ, bán hàng rong, vé số dạo; rạp chiếu phim; giáo dục, đào tạo trực tiếp.

Riêng cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp và các cơ sở khác ngừng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế.

Thông báo 155 của UBND TP.HCM đề nghị các quận, huyện căn cứ cấp độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp hành chính "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" trong lĩnh vực và trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều địa bàn cho biết vẫn đang chờ UBND TP.HCM đưa ra hướng dẫn cụ thể hơn về các biện pháp được hoạt động. Đến trưa 27/10, các quận, huyện và TP Thủ Đức vẫn đang áp dụng Chỉ thị 18.

6 tiêu chí để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP.HCM được hoạt động theo đề xuất của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM ngày 24/10:

1. Cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và có đăng ký mã QR tại http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/.

2. Đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở đúng quy định (về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu…).

3. Các cơ sở phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế; bố trí khu vực giao - nhận sản phẩm; trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay và có phương tiện làm khô tay hoặc khăn làm khô tay sử dụng một lần.

4. Người lao động, người đến cơ sở (người giao hận hàng, khách hàng, người liên hệ cơ sở…) phải tuân thủ nguyên tắc 5K, quét mã QR và thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế (khai báo y tế, tiêm ngừa vaccine, xét nghiệm và có âm tính với Covid-19…).

5. Tùy vào cấp độ dịch tại nơi kinh doanh, cơ sở hạn chế số lượng người bán, mua thực phẩm cùng một thời điểm.

6. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ: không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín; không bán rượu, bia. Khách ăn, uống tại chỗ phải đảm bảo thực hiện đúng theo hướng dẫn ngành y tế trong phòng chống dịch Covid-19.

Cấp độ dịch Địa phương
Cấp độ 1 TP Thủ Đức, quận Gò Vấp, quận Tân Bình, quận 1, quận 7, quận 8, quận 10, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi
Cấp độ 2 Quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 11, quận 12, quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè, quận Phú Nhuận, quận Tân Phú
Cấp độ 3 Quận Bình Tân
Theo Thu Hằng/Zing