Đề xuất giá điện gánh thêm khoản lỗ, người tiêu dùng phản ứng sao?

Google News

Giá bán lẻ điện bình quân dự kiến tính thêm chênh lệch tỷ giá, lỗ sản xuất kinh doanh - những khoản vốn chưa được tính vào giá điện.

Đây là điểm mới tại dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng.
Giá điện sẽ tính thêm khoản lỗ
Trong công thức tính giá điện bán lẻ bình quân, theo dự thảo thông tư vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, sẽ có quy định về việc đưa các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện.
Cụ thể, theo dự thảo, công thức tính giá bán lẻ điện bình quân cho phép thu hồi khoản lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện, bao gồm: Chênh lệch tỷ giá trong thực hiện hợp đồng mua bán điện; lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện; các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện nhưng được xác định trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Theo Bộ Công Thương, năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thua lỗ 26.000 tỷ đồng, chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá.
Theo kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 bao gồm: phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.016 tỷ đồng; năm 2020 khoảng 4.567 tỷ đồng; năm 2021 hơn 3.702 tỷ đồng và năm 2022 khoảng 3.440 tỷ đồng.
Đưa ra đề xuất trên, Bộ Công thương phân tích, mức điều chỉnh giá điện (tăng 3% từ ngày 4/5) chưa đủ thu hồi chi phí đầu vào hình thành giá, do đó, khoản lỗ năm 2022 và các chi phí khác sẽ tiếp tục bị dồn tích lại trong năm 2023. Trong khi đó, Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg lại chưa quy định cụ thể về việc xem xét giá thành thực tế sản xuất kinh doanh điện trong tính toán giá điện kế hoạch.
Cơ quan soạn thảo cho rằng điều này gây khó khăn cho EVN trong việc thu hồi chi phí, bù đắp lỗ của năm quá khứ. Việc này phần nào ảnh hưởng đến khả năng phát triển và bảo toàn vốn Nhà nước của EVN nếu hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài.
Bộ Công Thương dẫn quy định hiện hành tại Luật Giá cho thấy giá điện cần đảm bảo bù đắp đủ chi phí thực tế và có lợi nhuận hợp lý. Do đó, cần hiệu chỉnh công thức tính giá bán điện bình quân để làm rõ hơn yếu tố gắn với giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Tránh tạo gánh nặng về giá điện cho người dân
Theo Bộ Tài chính, việc thua lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện là do doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện không đủ bù đắp cho các chi phí phát sinh. Hay nói một cách khác là giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Do đó, Bộ Công Thương phải có trách nhiệm rà soát các khoản chi phí được phép tính vào giá bán lẻ điện theo quy định nhưng chưa được tính là những khoản chi phí nào, làm cơ sở để xác định các chi phí khác trong công thức tính giá cho phù hợp với thực tế.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, EVN phải có trách nhiệm tính toán và xác định các khoản chi phí được phép tính nhưng chưa tính vào giá bán lẻ điện để báo cáo Bộ Công Thương xem xét, bổ sung vào giá điện cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Và để kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ các chi phí này, Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan có trách nhiệm phải kiểm tra chi phí giá thành của EVN hàng năm, trước khi phê duyệt các chi phí này.
Trong khi đó, qua rà soát quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, không có quy định nào về phương án phân bổ các khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh và chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện, cũng như thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định với nội dung này.
De xuat gia dien ganh them khoan lo, nguoi tieu dung phan ung sao?
Đề xuất giá điện gánh thêm khoản lỗ, người tiêu dùng phản ứng sao? (ảnh minh họa: Internet). 
Thông tin trên báo chí, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, việc xây dựng cơ sở pháp lý để xác định đầy đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ trong sản xuất, kinh doanh điện là cần thiết. Song việc bổ sung và hạch toán các khoản lỗ còn treo lại của EVN trong công thức tính cần được đánh giá kỹ lưỡng. Đặc biệt cần làm rõ công thức tính giá điện mới, minh bạch và phân tách cụ thể chi phí của từng khâu tạo nên giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Theo ông Việt, khoản lỗ 26.000 tỷ đồng trong năm 2022 do tác động của giá than, giá khí và các chi phí đầu vào trong khâu sản xuất điện tăng cao là đúng, song cần làm rõ vai trò của EVN trong đánh giá, dự báo về xu hướng giá, hoạt động quản lý, đàm phán mua điện của các nhà cung cấp để góp phần giảm lỗ. Bởi trong thực tế có công ty con trong ngành điện vẫn ghi nhận lãi, nhưng công ty mẹ lỗ. Như vậy mức lỗ được công bố có bao gồm các khoản chi phí không hợp lý, hợp lệ được phân bổ vào giá điện, gây áp lực lớn cho người dân khi giá điện tăng liên tục.
Theo các chuyên gia, việc cộng thêm các khoản lỗ, chênh lệch tỷ giá hàng chục nghìn tỷ đồng vào giá bán lẻ điện bình quân có thể khiến giá tăng sốc. Để tránh nguy cơ này, các chuyên gia khuyến nghị dự thảo sửa đổi cần bổ sung quy định về tỷ lệ, lộ trình phân bổ phù hợp.
PGS.TS Trần Văn Bình (Viện Kinh tế và quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội) đề nghị, chia nhỏ các đợt để tránh giá tăng mạnh vào một thời điểm hoặc dồn nén quá lâu. "Việc sửa đổi Quyết định 24 cho thấy tín hiệu giá điện gần thị trường hơn, nhưng liệu Bộ Công Thương và Chính phủ có dũng cảm thực hiện đúng theo quy định là cứ 3 tháng/lần rà soát giá điện. Nếu giá tăng từ 3% trở lên sẽ điều chỉnh hay không?", ông Bình đặt vấn đề và cho rằng, không để ngành điện bị dồn lỗ quá lớn, tránh tạo gánh nặng về giá điện cho người dân.
Anh Vũ Văn T (31 tuổi, Hải Phòng), thuê nhà tại khu vực Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hiện anh đang ở nhà thuê, chủ cho thuê tính giá điện khoảng 4.000 đồng/kwh. Biết là cao nhưng anh T vẫn phải chịu đựng nhiều năm nay không biết kêu ai. Anh T lo lắng, nếu điều chỉnh tăng giá điện, các chủ thuê lại lấy cớ tăng thêm tiền điện sinh hoạt thì càng đáng lo.
“Chi phí sản xuất tăng thì tất yếu giá tiêu dùng sẽ phải tăng theo và toàn xã hội phải gánh chịu. Liệu ngành điện đã tính toán đến những thất thoát trong hoạt động của mình thì ai phải chịu trách nhiệm? Nếu bắt người dân phải gánh chịu hết thì quá vô lý”, anh T thắc mắc.
 
Liên Hà Thái (t/h)