Bộ GTVT sẽ quy định giá dịch vụ kiểm định xe?
Với Nghị định 30/2023/NĐ-CP có hiệu lực, điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã được mở rộng, số lượng trung tâm đăng kiểm tư nhân sẽ tiếp tục tăng khi có sự tham gia của các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng ô tô chính hãng. Khi đó, hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh lớn hơn về dịch vụ và giá.
Theo Bộ GTVT, tại Nghị định 30/2023/NĐ-CP, Chính phủ đã giao thẩm quyền quy định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới cho Bộ GTVT.
Cụ thể, Bộ GTVT có trách nhiệm chủ trì xây dựng và thống nhất với Bộ Tài chính trước khi ban hành quy định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo quy định của pháp luật về giá. Tuy nhiên, chưa điều chỉnh về hình thức Nhà nước định giá đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay thị trường cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới có 281 trung tâm đăng kiểm thuộc nhiều thành phần kinh tế, hoạt động trên phạm vi toàn quốc, tại các vùng miền khác nhau. Trong đó, các trung tâm thuộc khối tư nhân, đang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp là 192/281 đơn vị (chiếm 68,3% tổng số các trung tâm đăng kiểm).
Theo từng khu vực, vùng miền sẽ có chi phí cấu thành giá dịch vụ kiểm định khác nhau (như tiền thuê đất, nhân công, thiết bị, quản lý, nhu cầu thị trường…). Từ đó, Cục Đăng kiểm cho rằng, nhà nước không nên quy định giá cố định dịch vụ kiểm định, do có sự khác biệt như trên.
Bộ GTVT thấy rằng, đề xuất chuyển cơ chế từ nhà nước định giá cố định sang nhà nước định giá tối đa cho dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới là phù hợp thực tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động quyết định mức giá cụ thể, tiếp cận thị trường.
Đồng thời, kiến nghị trên cũng phù hợp với quy định tại Luật Giá sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày ngày 19/6/2023, trong đó quy định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá tối đa.
|
Theo quy định hiện hành, giá dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới do nhà nước ban hành, áp dụng chung trên toàn quốc.
|
Hướng tới cạnh tranh lành mạnh
Trước đề xuất trên của Bộ GTVT, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Trao đổi với báo chí truyền thông, ông Trần Nguyên Sinh, phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29.08D (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) kiến nghị, nên có một mức giá cố định cho dịch vụ đăng kiểm.
“Nếu chỉ quy định giá trần rồi để thả nổi thì các đơn vị đăng kiểm sẽ tự giảm giá xuống. Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Sẽ có những cơ sở chấp nhận không lợi nhuận, giảm giá bù lỗ để lôi kéo khách hàng”, ông Sinh lo ngại.
Theo ông Sinh, giá dịch vụ đăng kiểm hiện nay đã không mang lại hiệu quả. Theo tính toán thực tế tại cơ sở để đảm bảo mức thu chi thì mức phí kiểm định phải tăng so với giá hiện hành khoảng 40- 50%.
“Thế nhưng đề xuất mới đây nhất chỉ cho phép tăng 26- 28% cũng đã là khó khăn cho doanh nghiệp rồi.
Tiếp đến Thông tư 08 được ban hành cho phép kéo giãn chu kỳ đăng kiểm cho hàng triệu xe gia đình không kinh doanh vận tải cũng khiến cơ sở đăng kiểm tiếp tục đối diện khó khăn.
Nếu tiếp tục thả nổi giá nữa chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động tại cơ sở đăng kiểm, bởi bản chất doanh nghiệp nếu hoạt động không hiệu quả thì đương nhiên người lao động không thể có cuộc sống đảm bảo”, ông Sinh nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng cho rằng các yếu tố cấu thành giá trong đó có mức chi đầu vào của các trạm đăng kiểm khác nhau. Ví dụ như tiền điện, nước, mặt bằng, khấu hao máy móc, nhân công, vật tư - vật liệu… có sự khác nhau giữa các vùng miền, do đó, quy định một mức giá cứng trên toàn quốc sẽ không còn phù hợp.
“Giá đăng kiểm sẽ linh động theo từng thời điểm, từng khu vực. Giá dịch vụ đăng kiểm có thể thay đổi sau 3, 6 tháng hay lâu hơn tùy thuộc vào biến động giá đầu vào”, ông Quyền đề xuất.
Tuy nhiên, ngoài việc nhà nước áp giá trần, ông Quyền cũng cho rằng nên quy định mức giá sàn. Bởi nếu không quy định mức giá sàn thì sẽ có nguy cơ xảy ra hiện tượng các cơ sở đăng kiểm hạ giá quá thấp để thu hút xe kiểm định. Với lượng xe vào kiểm định nhiều lên thì dù giá thấp đi những vẫn sẽ đảm bảo tăng doanh thu theo kỳ vọng của cơ sở đăng kiểm trong chiến lược cạnh tranh.
Do đó, tôi đề nghị các cơ quan xây dựng văn bản nên nghiên cứu đánh giá thêm sự cần thiết về việc quy định mức giá sàn đối với dịch vụ đăng kiểm”, ông Quyền kiến nghị.
Minh Châu (t/h)