Chị Phan Thanh Huyền (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, công việc trước đây của chị là phụ bếp tại một khách sạn ở Hà Nội. Hơn một năm nay kể từ khi dịch bùng phát thì lượng khách sử dụng dịch vụ tại khách sạn giảm đi dần, công việc và thu nhập cũng tỷ lệ thuận giảm theo. Tuy nhiên, cũng theo chị Huyền, nhờ có chút kinh nghiệm từ nghề làm bếp, trong thời gian rảnh rỗi chị tự tạo công việc mới cho bản thân với nguồn thu “khá ổn”.
Những món ăn tự tay chị Huyền chế biến được nhiều hàng xóm ưa thích đặt mua
“Thời gian đầu mình nghĩ cố gắng hạn chế chi tiêu, chờ một thời gian dịch qua mọi việc sẽ ổn trở lại. Nhưng càng ngày tình hình càng khó khăn, mình nghỉ việc không lương hơn một năm nay rồi.
Mình ở chung cư, do có nhiều thời gian rảnh rỗi lại có chút kinh nghiệm nên mình thường tự tay chế biến các món ăn cho gia đình, thi thoảng mình có làm cho hàng xóm. Dần dà, mọi người biết đã chủ động đặt mình làm theo thực đơn mỗi tuần. Công việc nấu ăn giúp mình vui và có thêm nguồn thu nhập trong những ngày nghỉ như thế này.” - chị Huyền chia sẻ.
Được biết, các món ăn chị Huyền làm chủ yếu là các món đơn giản, không quá đắt, đặc biệt hợp khẩu vị với các em nhỏ nên rất nhiều người đặt mua thường xuyên, như: pate, thịt kho, cá kho tộ, ruốc, thịt chưng mắm tép, bánh sinh nhật, bánh mỳ, bánh ngọt, bánh bao, caremen,…
Tận dụng vốn ngoại ngữ, chị Dung may mắn với công việc dịch dự án tại nhà
Với chị Dung (Tây Hồ, Hà Nội) – nhân viên văn phòng tại một công ty nước ngoài thì chia sẻ, do ảnh hưởng dịch nên công ty của chị cắt giảm ½ lương cơ bản và chuyển chế độ làm việc ở nhà. Trong lúc rảnh rỗi và để tăng thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống, chị nhận thêm công việc dịch thuật dự án cho một công ty về công nghệ.
“Tuy không đúng chuyên môn, nhưng mình vẫn cố gắng làm tốt. Mình thấy may mắn vì có công việc làm thời gian này” – chị Dung nói thêm.
Tất nhiên, không phải ai cũng dễ dàng có được việc làm ở nhà như chị Huyền và chị Dung. Trên một số hội nhóm, nhiều chị em đã chia sẻ những công việc làm thêm khác tuy vất vả nhưng theo chủ top thì “vẫn còn may mắn chán”.
Tài khoản có tên Như Quỳnh – nhân viên phòng khách sạn cho biết, chị đã đổi nghề bán cá, bán rau, bán thịt từ lâu rồi.
Chị Như Quỳnh thì chọn công việc bán rau, củ, quả tươi và luôn free ship cho khách cùng khu cư dân
“Khi chưa siết giãn cách, hàng ngày mình chỉ cần gom đơn, dậy sớm đi lấy hàng và giao cho mọi người, nhưng nay thì mình hoàn toàn phải nhờ người nhà từ quê mua giúp rồi chuyển theo xe “luồng xanh”. Đi lại khó khăn, lại dịch bệnh phức tạp nên một tuần mình chỉ gom một chuyến cho chị em cùng tòa nhà. Hàng được chia sẵn theo đơn, khi giao hàng mình treo ở cửa cho mọi người” – chị Quỳnh chia sẻ.
Một số chị em khác thì chia sẻ về công việc tư vấn bảo hiểm: “Chứng kiến tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều người có tâm lý lo lắng, quan tâm tới bảo hiểm nhiều hơn. Do đó, nhân viên tư vấn thời gian này có doanh thu tăng vọt. Bạn có thể ngồi nhà, chỉ cần chăm chỉ kết nối, công việc này thực sự không làm bạn thất vọng” – tài khoản Liên Liên chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều chị em khác thì chia sẻ về công việc cộng tác viên bán hàng online, như bán đồ gia dụng, bán hoa quả, thực phẩm,… được hưởng hoa hồng trực tiếp từ mỗi đơn hàng.
Và cũng không ít người chia sẻ câu chuyện dở khóc dở cười từ nghề “tay trái”. Chị Trần Tuyết Nhung – một nhân viên chuyên book vé máy bay, buồng phòng khách sạn, hiện đang bán đồ thời trang công sở cho hay: “Em ôm lô hàng giảm giá với mong muốn bán rẻ lại cho chị em kiếm ít lời, nhưng dịch bệnh ập tới nhanh quá. Giờ em mất tiền thuê kho và còn đọng vốn một trăm triệu. Ngẫm thấy nghề vé vẫn nhàn hơn nhiều…”.
Dịch xảy ra, diễn biến trong thời gian dài là điều không ai mong muốn, nhưng dường như mọi người đều đã học cách thích nghi. Mỗi người tìm cho mình một giải pháp song đều có chung một mong muốn, đó là dịch qua nhanh để được trở lại với công việc thường ngày.
Theo Hồng Hương / Dân Việt