Thị trường chứng khoán năm 2017 đầy những bất ngờ đã đi qua, VN-Index vượt xa hầu hết các dự báo để cán đích ở 984,24 điểm, tăng 48% so với 2016. Năm vừa qua cũng là năm chứng kiến nhiều cổ phiếu hấp dẫn chào sàn như HVN, VJC, PLX, VPB… Điều này góp phần đưa thanh khoản cao kỷ lục và cũng tạo nhiều cơ hội đầu tư hơn thị trường.
Bước sang năm 2018, nhiều dự báo khả quan về thị trường chứng khoán đã được đưa ra, cùng với đó là các kế hoạch thoái vốn, IPO và chào sàn hấp dẫn cũng sẽ diễn ra trong năm nay. Ngay những ngày đầu năm 2018 này, hàng loạt doanh nghiệp nổi bật sẽ có dịp “xông đất” thị trường chứng khoán và mang đến thêm nhiều lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư
HoSE bổ sung 2 tân binh chất lượng
Cổ phiếu CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs – HoSE: AST) sẽ là cái tên đầu tiên “xông đất” cho HoSE vào đầu năm 2018. Theo đó, 36 triệu cp AST chính thức được giao dịch từ ngày 4/1/2018.
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 45.000 đồng/cổ phiếu, đồng nghĩa với biên độ dao động trong khoảng 36.000 - 54.000 đồng/cp. Tính theo mức giá tham chiếu này, vốn hóa thị trường của Taseco Airs vào khoảng 1.620 tỷ đồng.
Taseco Airs được tách ra từ mảng dịch vụ phi hàng không của Taseco Thăng Long để thành lập Công ty cổ phần từ tháng 9/2015. Cuối tháng 10 vừa qua, Quỹ đầu tư PENM IV đầu tư mua 10% vốn Taseco Airs và trở thành cổ đông lớn thứ 2 chỉ sau CTCP Dịch vụ Hàng không Thăng Long (60%).
Về tình hình hoạt động, tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, Taseco Airs đạt gần 480 tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận sau thuế đạt 110 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Vốn chủ sở hữu đạt hơn 431,5 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2017 Taseco Airs còn gần 68 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Một ngày sau khi Taseco Airs lên sàn, HDBank cũng sẽ trở thành ngân hàng thứ 8 niêm yết trên HoSE. Cụ thể, gần 981 triệu cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) sẽ chính thức được giao dịch tại HoSE từ 5/1/2018.
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 33.000 đồng/cổ phiếu. Do đó, biên độ dao động trong khoảng 26.400 - 39.600 đồng/cp trong ngày đầu chào sàn. Với mức giá trên, vốn hóa thị trường của nhà băng này tương đương 32.343 tỷ đồng, vượt qua Sacombank trở thành ngân hàng có vốn hóa lớn thứ 8 trên ba sàn.
Trung tuần tháng 12 vừa qua, HDBank đã chính thức hoàn tất chào bán thành công 20% vốn cổ phần sau khi phát hành thêm cho các đối tác nước ngoài với giá 32.000 đồng/cổ phiếu. Các quỹ đầu tư và ngân hàng nước ngoài đã chi 300 triệu USD, tương đương hơn 6.800 tỷ đồng để mua cổ phần HDBank.
Tính đến 30/9/2017, tổng tài sản của HDBank tăng 16,2% đạt 174.594 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng lên 118.116 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, HDBank đạt 1.538 tỷ lợi nhuận sau thuế. Nhà băng này dự kiến lợi nhuận trước thuế năm nay đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với 2016.
14 doanh nghiệp khác đổ bộ lên UPCoM
Thị trường đăng ký giao dịch cổ phiếu UPCoM vào đầu năm 2018 cũng sẽ đón thêm khá nhiều tân binh. Trong đó, nổi bật lên là cổ phiếu Tổng Công ty Chuyển phát nhanh Bưu Điện (EMS).
Theo đó, gần 9,2 triệu cp EMS sẽ được giao dịch chính thức từ ngày 05/1/2018. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 31.000 đồng/cp, tương đương với quy mô vốn hoá ở mức 284 tỷ đồng.
Hiện Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam (Vietnam Post) đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 84,13% vốn của EMS. Cổ đông lớn thứ 2 là Công ty Cổ phần HACISCO (HoSE: HAS) nắm giữ 8,22% và 7,65% còn lại thuộc về các cổ đông khác.
Theo báo cáo tài chính năm 2016, EMS có tổng tài sản đạt 409 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh thu về 927 tỷ đồng doanh số, tăng 25% so với thực hiện trong năm. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 38 tỷ đồng, tăng 31%.
Năm 2017, khá nhiều công ty về điện nước đã đăng ký giao dịch trên UPCoM. Bước sang 2018, nhóm cổ phiếu này lại tiếp tục “dắt tay” nhau lên sàn khi xuất hiện thêm 3 thành viên.
Doanh nghiệp đầu tiên đó là một công ty hàng đầu trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và môi trường Tổng Công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam – CTCP (Viwaseen- VIW).
Viwaseen đã đăng ký giao dịch 58 triệu cp VIW trên UPCoM từ ngày 5/1/2018 với giá tham chiếu 10.500 đồng/cp. Mức định giá đối với công ty của Bộ Xây dựng này là 609 tỷ đồng. Bộ Xây dựng hiện nắm giữ đến 98,16% vốn VIW.
Trong 9 tháng năm 2017, Viwaseen ghi nhận doanh thu thuần 777 tỷ và lợi nhuận sau thuế 2,7 tỷ đồng và còn cách khá xa mục tiêu lãi 45 tỷ trong năm 2017. Công ty cũng có tổng tài sản 1.583 tỷ và vốn chủ sở hữu 594 tỷ vào cuối 30/09/2017.
Đến ngày 8/1/2017, CTCP Thủy điện A Vương (AVC) sẽ chính thức giao dịch75 triệu cổ phiếu trên UPCoM. Với giá tham chiếu 24.000 đồng/cp, vốn hóa thị trường của AVC đạt mức 1.800 tỷ đồng.
Hiện AVC quản lý các dự án Công trình Thủy điện A Vươn; dự án Thủy điện Sông Bung 3A, 4A; ự án Thủy điện Dăk Pring 2;... Trong năm 2016, AVC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận suy giảm so với 2015 lần lượt đạt 597 tỷ và 122,5 tỷ đồng. Kế hoạch 2017 là 124,3 tỷ lợi nhuận sau thuế và cổ tức 9%.
CTCP Cấp nước Gia Lai (GLW) cũng lên UPCoM vào ngày 8/1/2018 với 18 triệu cp. Giá tham chiếu trong ngày đầu tiên là 13.200 đồng/cp, tương ứng mức định giá khoảng 238 tỷ đồng.
Một loạt các thành viên khác sẽ xông đất UPCoM vào 5/1/2018 đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như bia, xây lắp, gạch men, chứng khoán,...
Cụ thể vào 5/1, cổ phiếu CTCP Gạch Tuy Nen Bình Định (BTN) chính thức giao dịch 3 triệu cổ phiếu với mức giá tham chiếu 22.000 đồng/cp. Mức định giá này khoảng 66 tỷ đồng.
CÒn CTCP Bia Hà Nội – Nam Định (BBM) sẽ có phiên giao dịch đầu tiên 2 triệu cp đăng ký. Giá tham chiếu cho ngày đầu tiên là 12.000 đồng/cp, tương ứng mức vốn hóa 24 tỷ đồng.
Một công ty khác cũng bắt đầu giao dịch vào 5/1/2018 là CTCP Quản lý và Xây dựng giao thông Lạng Sơn (QLD). Số lượng đăng ký giao dịch hơn 1,2 triệu cp; công ty được định giá 12 tỷ đồng ứng với mức giá khởi điểm 10.000 đồng/cp.
Sau khi bị thâu tóm bởi CTCP Việt Nam Equity (nhận chuyển nhượng 70% vốn DSC) hồi tháng 7/2017, cổ phiếu CTCP Chứng khoán Đà Nẵng (DSC) đã được đăng ký giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 8.500 đồng/cp. Mức định giá của DSC là 51 tỷ đồng cho 6 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch.
Nối gót Thành An 665 (TA6) lên UPCoM, cổ phiếu CTCP Đầu tư và Xây lắp Thành An 386 (TA3) cũng được giao dịch 2,3 triệu cp đã đăng ký. TA3 sẽ có mức vốn hóa 28 tỷ đồng ứng với giá khởi điểm 12.000 đồng/cp.
Cổ phiếu CTCP Cung ứng nhân lực Quốc tế và Thương Mại (SON) sẽ có mặt trên UPCoM với giá tham chiếu 14.500 đồng/cp. Như vậy, 9,73 triệu cp SON được định giá khoảng 141 tỷ đồng.
Đúng 2 triệu cổ phiếu CTCP Sách và Thiết bị trường học Hà Nội (HAB) sẽ có vốn hóa thị trường 25 tỷ, tương đương với mức giá tham chiếu 12.500 đồng/cp.
Cổ phiếu cuối cùng giao dịch từ 5/1/2018 là CTCP Đo đạc và Khoáng sản (SUM). Công ty được định giá 25,5 tỷ cho 2,38 triệu cp với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên 10.700 đồng/cp.
Đến ngày 8/1/2018, 1 cổ phiếu khác sẽ bắt đầu giao dịch trên hệ thống UPCoM là CTCP In Khoa học Kỹ thuật (IKH) với khối lượng 1,57 triệu cp. Giá tham chiếu 10.700 đồng/cp, đồng nghĩa với mức vốn hóa thị trường khoảng 17 tỷ đồng.
Theo Đức Quỳnh/NDH