Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất, ngày 17/1 đã chính thức IPO tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM, với số lượng nhà đầu tư đăng ký cao kỷ lục.
Phiên đấu giá BSR ghi nhận có 4.079 nhà đầu tư, trong đó có 48 nhà đầu tư tổ chức trong nước và 67 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Nhà đầu tư cá nhân có 7 là cá nhân nước ngoài, còn lại 3.957 cá nhân trong nước. Đây cũng là phiên IPO ghi nhận về số lượng người đăng ký đấu giá cao kỷ lục, với khối lượng đặt mua gấp 2,7 lần lượng chào bán, tương đương 651,7 triệu cổ phần.
Diễn biến phiên đấu giá càng chứng kiến nhiều bất ngờ với giá đặt mua cao khó tin từ trước đến nay.
Cụ thể, trong phiên sáng, tính tới thời điểm kiểm 1 triệu cổ phiếu đăng ký, mức giá đặt mua cao nhất là 22.000 đồng/cổ phiếu. Khi kiểm được 1,8 triệu cổ phiếu, giá cao nhất lên 25.100 đồng/cổ phiếu.
Giá đặt mua tăng mạnh kỷ lục trong phiên chiều, khi hoàn tất nhập lệnh, giá khớp dự kiến là 20.800 đồng/cổ phiếu, giá đặt mua cao nhất đến 14,8 triệu đồng/cổ phiếu.
Lượng đặt mua tại mức giá khó tin này là 10.000 cổ phiếu. Như vậy, nhà đầu tư này sẽ phải đặt cọc khoảng 14,8 tỷ đồng.
|
BSR đã ghi nhận mức kỷ lục về giá đặt mua trên một cổ phiếu. Ảnh: Minh Hoàng. |
Kết quả cuối cùng, toàn bộ 241,55 triệu cổ phần của BSR đã được bán hết cho 623 nhà đầu tư, trong đó có 62 nhà đầu tư tổ chức và 561 nhà đầu tư cá nhân.
Giá trúng bình quân là 23.043 đồng/cổ phiếu, giá trúng thành công cao nhất là 14,8 triệu đồng/cổ phiếu, giá trúng thành công thấp nhất là 20.800 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài mua thành công 147,83 triệu cổ phiếu (tương đương 61,2% số cổ phần chào bán).
Trước phiên đấu giá, BSR có giá trị vốn hóa trên thị trường lên đến 3,2 tỷ USD, là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa. Nhà nước nắm giữ 43% vốn điều lệ tại BSR. Ngoài phần bán cho người lao động, có 7,79% vốn điều lệ được đấu giá công khai và nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tới 49% vốn điều lệ.
Tính toán của BSR, việc IPO có thể thu về cho Nhà nước khoảng 4.000 tỷ đồng, và với việc bán tiếp cổ phần cho đối tác chiến lược sẽ mang về thêm gần 1 tỷ USD nữa cho ngân sách.
Trong số các nhà đầu tư chiến lược, có hai công ty nước ngoài kinh doanh lĩnh vực hóa dầu định mua tối đa cổ phần cho phép (ở mức 49%), là World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum (châu Phi). Ngoài ra còn các tên tuổi khác trong ngành lọc hoá dầu thế giới như Repsol (Tây Ban Nha), Rosneft (Nga), SK (Hàn Quốc), PTT (Thái Lan) hay Petroleum Brunei, Pertamina (Indonesia), SRC (Singapore) cũng được BSR cho biết có mong muốn mua cổ phần của BSR.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng mong muốn trở thành đối tác chiến lược thông qua mua cổ phần của BSR. Nhà phân phối xăng dầu có thị phần lớn nhất thị trường Việt Nam này chưa sở hữu bất cứ nhà máy lọc dầu nào, trong khi phân phối xăng dầu là lĩnh vực không mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài.
Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là đơn vị chủ quản Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất 6,5 triệu tấn dầu thô mỗi năm, cung cấp 30% nhu cầu xăng dầu cả nước. Nhà máy đã lên kế hoạch nâng cấp mở rộng vào năm 2021, để tăng công suất chế biến lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm.
Theo Bình Nguyên/Zing