COVID-19 kéo dài gần 2 năm khiến nhiều ngành nghề chịu ảnh hưởng. Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát giống như “giọt nước tràn ly” khiến nhiều doanh nghiệp, nhà hàng vừa cố gượng dậy đã bị giáng thêm đòn nặng nề.
|
Nhiều khu “đất vàng” đóng cửa do dịch COVID-19. |
Chị Bùi Thanh Bình - chủ nhà hàng bia tươi Đức phục vụ khách đoàn được hơn 1 năm thì “dính” Nghị định 100 và COVID-19. “Ba năm, mở lại 2 lần, mỗi lần đầu tư cả tỷ bạc tiền sửa chữa mà chưa tính đến tiền mặt bằng. Giờ tôi chịu thua rồi, vừa hết hợp đồng nên tôi trả mặt bằng luôn”, chị Bình buồn rầu nói.
Bên trong phố cố Hà Nội, nơi vốn được coi “tất đất, tấc vàng” còn rơi vào hoàn cảnh thê thảm hơn. Theo ghi nhận của PV báo Tri thức và Cuộc sống, hàng loạt cửa hàng, kios trên các tuyến phố chính như: Hàng Buồm, Mã Mây, Tạ Hiện… đồng loạt đóng cửa và treo biển cho thuê cửa hàng.
|
Phố Tạ Hiện vắng vẻ không một bóng người. |
Trước đây, giới trẻ muốn “sống ảo” một bức ảnh vắng người trên phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) thì phải đợi thời điểm 4-5h sáng mới chụp được. Nhưng hiện nay, con phố này lúc nào cũng ở trong tình trạng vắng lặng, không một bóng người dù vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Anh Nguyễn Bình Sáng - chủ nhà trên phố Thợ Nhuộm cho biết, anh cho thuê mặt bằng tầng 1 làm cửa hàng bán quần áo nhiều năm nay. Từ cuối năm 2020, anh Sáng giảm tiền thuê cửa hàng từ 25 triệu đồng/tháng xuống 15 triệu nhưng được 2 tháng thì khách cũng trả lại. “Từ Tết đến giờ treo biển cho thuê nhưng cũng không ai hỏi chứ chưa nói đến giá thuê”, anh Sáng nói.
Đợt dịch lần thứ 4 xảy ra đúng thời điểm kinh tế thị trường vừa bắt đầu phục hồi được một thời gian ngắn. Điều này càng nguy hại hơn với nhiều người mới bắt đầu bước chân vào kinh doanh.
Chị Nguyễn Hồng Nhung - trú tại phường Trung Hoà kể, tích góp được gần 500 triệu, thấy kinh tế bắt đầu hồi phục nên chị đầu tư mua lại một nhà hàng hải sản. Vừa trả tiền thuê nhà 1 năm, tiền nhân viên, tiền hàng nhưng vận hành chưa được 1 tháng thì đóng cửa.
“Tiền mặt bằng trả trước rồi, giờ mở không được, trả lại cũng không xong. Giờ không còn tiền đầu tư tiếp, chắc chỉ chờ hết dịch thì cho thuê lại để gỡ vốn”, chị Nhung chia sẻ về tình trạng khó khăn.
|
Hàng loạt cửa hàng trên phố cổ Hà Nội đóng cửa, treo biển cho thuê nhưng không có khách hỏi. |
Tình trạng mặt bằng cho thuê bị đóng băng không đơn thuần do kinh tế đi xuống, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nên không có tiền thuê tiếp. Nhiều người tìm được hướng kinh doanh mới, tiếp cận thị trường thương mại điện tử nên không cần đầu tư nhiều vào mặt bằng.
Anh Nguyễn Hoàng Giang - chủ cửa hàng bán đồ nhậu ở chợ Nguyễn Công Trứ bắt đầu bán online từ lần dịch trước. “Thay vì đầu tư mặt bằng mấy chục triệu tôi trả lương cho nhân viên đi ship đồ ăn chưa đến 10 triệu một tháng mà doanh thu cũng không hề kém”, anh Giang chia sẻ.
Theo anh Giang, thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, anh sẽ không thuê lại cửa hàng nữa vì bán online và bán mang về sẽ giảm chi phí rất nhiều, đặc biệt là tiền mặt bằng.
Theo thống kê của sàn Batdongsan.com.vn, Quý 1/2021 cửa hàng, kiosk, nhà mặt phố cho thuê tại Hà Nội có nguồn cung và mức độ quan tâm giảm mạnh nhất so với các loại hình khác, lần lượt là 44% và 25% so với tháng trước đó. Tỷ lệ trả mặt bằng và giá cho thuê mặt bằng giảm mạnh nhất lại khu vực quận Hoàn Kiếm.
Nhận định về tình hình nhà đất hiện nay, anh Nguyễn Đức Tài - nhân viên môi giới nhà đất cho rằng, tác động của dịch bệnh diễn ra từ đầu năm 2020 nhưng thời điểm đó khách và chủ nhà cùng “gánh” khi chấp nhận giảm nửa tiền thuê nhà. Đến đầu năm nay không cầm cự được nữa, thậm chí nhiều người không còn quan tâm đến giá thuê giảm tới bao nhiêu bởi không còn thấy hy vọng làm ăn.
|
Khách sạn trên phố cổ sửa xong rồi… đóng cửa. |
Không còn khách thuê, nhiều chủ nhà bỏ mặc những khu “đất vàng” tới cả tháng. Nhiều khách sạn sửa xong cũng không có khách nên vẫn “cửa đóng then cài”. Vị trí "vàng" vốn là lợi thế cực lớn với người kinh doanh nhưng khi dịch bệnh ập đến, nơi đây bỗng trở thành những “quả bom” đánh vào chính kinh tế của những người đang kinh doanh. Nhiều khu đất “vàng” bỗng trở thành… hoang hoá.
Hoàng Nam