Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 có đề cập nội dung liên quan đến lô “đất vàng” 152 Thụy Khuê. Báo cáo cho biết, giai đoạn năm 2013 - 2017 UBND TP Hà Nội đã hoàn thành thực hiện cổ phần hóa 57/60 doanh nghiệp Nhà nước; trong đó đã quyết toán, bàn giao 44 doanh nghiệp sang Công ty cổ phần.
Kiểm toán Nhà nước nhận xét, quá trình cổ phần hóa “cơ bản tuân thủ quy định, song còn một số hạn chế", chẳng hạn như: Hầu hết các doanh nghiệp cổ phần hóa chưa xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.
Về lô “đất vàng” 152 Thụy Khuê giao cho Công ty TNHH NN MTV Giày Thụy Khuê (nay là Công ty Cổ phần Giày Thụy Khuê) thuê và trả tiền thuê hàng năm. Nhưng Công ty này lại sử dụng lô đất này góp vốn liên doanh với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình nhằm triển khai dự án “khách sạn văn phòng giao dịch và cho thuê”.
|
Những công trình trên lô đất vàng 152 Thụy Khuê: Ảnh: NĐT. |
Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, UBND TP Hà Nội cho phép cho Công ty Giày Thụy Khuê hợp tác, liên doanh trong khi liên doanh đã thành lập và đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để hợp thức hóa cho việc góp vốn không đúng quy định.
Theo tìm hiểu được biết, sau khi Công ty Giày Thụy Khuê và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình “bắt tay” với nhau đã lập ra một Công ty với tên gọi là Công ty TNHH liên doanh Thái Bình - Thụy Khuê, để thực hiện dự án “khách sạn văn phòng giao dịch cho thuê”. Người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Chi.
Đáng chú ý, Công ty TNHH liên doanh Thái Bình - Thụy Khuê có vốn điều lệ lên đến 75 tỷ đồng; trong đó Công ty Giày Thụy Khuê góp 15 tỷ đồng (tương đương với 20% vốn), Tập đoàn Thái Bình góp 60 tỷ đồng (tương đương 80% vốn).
Thế nhưng, đến tháng 12/2017, Công ty TNHH liên doanh Thái Bình - Thụy Khuê bất ngờ có sự thay đổi khi mà Tập đoàn Thái Bình chuyển nhượng 15% vốn sang Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Nam Thái Bình. Công ty TNHH liên doanh Thái Bình - Thụy Khuê sau đó đổi tên thành Công ty Cổ phần Thái Bình Tây Đô.
Được biết, bà Nguyễn Thị Chi vừa là người đại diện pháp luật của công ty, cũng là người được biết đến là cổ đông lớn do năm 22% vốn điều lệ tại Tập đoàn Thái Bình.
Vấn đề được đưa ra ở đây là: Công ty Cổ phần Giày Thụy Khuê có sử dụng lô “đất vàng” 152 Thụy Khuê trái pháp luật khi góp vốn liên doanh với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình để “kinh doanh” thu lợi bất chính?
Kiến Thức tiếp tục thông tin.
Bảo Ngân