Vừa thưởng thức miếng bánh trung thu nhân thập cẩm hải sản cực kỳ mới lạ cùng với chén trà xanh, chị Đoàn Ngọc Trâm ở ngõ 885 Tam Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội) hí hửng gọi đặt thêm 5 hộp vị tương tự để ăn và làm quà biếu dịp rằm Trung thu tới. Thế nhưng, chị chủ hàng trả lời ngắn gọn: “Em thông cảm, từ nay đến rằm Trung thu nhà chị không thể nhận thêm vì quá tải”.
Chị Trâm chia sẻ, khoảng 3 năm nay, thay bằng mua bánh trung thu của các thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam, chị đổi sang chọn bánh trung thu handmade, vì tin người quen làm bao giờ nguyên liệu cũng sạch hơn. Đặc biệt, bánh handmade chị chọn mua không chỉ ngon mà hình thức khá mới lạ, nhân và vỏ bánh còn được đặt theo khẩu vị của mình.
|
Bánh trung thu handmade đang được các bà nội trợ cực kỳ ưa chuộng. Ảnh: Lê Ngọc Yến. |
Năm ngoái, trước rằm Trung thu một tuần, chị Trâm cũng đặt 5 hộp nhưng chủ hàng chỉ nhận hai vì nể chị là khách quen. Năm nay, mấy cái bánh này chị đặt trước gần một tháng để cúng rằm tháng 7, còn đặt cúng rằm Trung thu đã bị từ chối nhận vì chủ hàng đã chốt đơn cách đây 10 ngày. Tức muốn ăn, chị phải đặt trước khoảng 45 ngày.
Thực tế, bánh trung thu handmade đã trở nên quen thuộc mấy năm gần đây. Song, loại bánh này ngày càng da dạng, với đủ hình dáng, mùi vị, màu sắc khác nhau nên khách hàng ưa chuộng. Lý do đơn giản: phần lớn đều tin tưởng bánh do người quen làm nên chất lượng vệ sinh an toàn đảm bảo hơn.
|
Loại bánh trung thu handmade này được nhiều người đặt mua là vì tin tưởng vào chất lượng. Ảnh: Lê Ngọc Yến. |
Chị Lê Ngọc Yến, một bếp bánh handmade tại Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho biết, chị đã làm và bán bánh trung thu handmade mấy năm nay. Tuy nhiên, năm nay lượng khách tăng đột biến và chị đang quá tải.
Thế nên, chị phải huy động thêm 11 người làm cùng suốt từ sáng cho tới 8-9 giờ tối tất cả các ngày trong tuần để có bánh kịp giao cho khách, theo đơn đã đặt trước đó.
“Cách đây 5 ngày, tôi đã phải thông báo dừng nhận đơn đặt hàng mới cho tới Rằm tháng 8 tới", chị nói. Tuy nhiên, chị vẫn làm và trả đầy đủ các đơn hàng lấy bánh sỉ đã đặt trước đó. Riêng với khách lẻ, chị chỉ nhận đơn hàng của khách là bạn bè, người quen để mọi người có bánh trung thu ăn.
|
Ngoài ra bánh còn rất đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng. |
Theo chị Yến, so với bánh trung thu của các hãng, giá bánh trung thu chị làm không hề rẻ hơn, dao động từ 50.000-70.000 đồng/chiếc tùy vào loại nhân. Trong khi đó, giá bánh trung thu hiện đại thường ở mức 110.000 đồng/chiếc, bánh đàn lợn từ 230.000-450.000 đồng/đàn tùy vào số lượng con và trọng lượng... Chủ hàng cam kết và được tin tưởng nhờ chất lượng nguyên liệu luôn đảm bảo, đa dạng về kiểu dáng, loại nhân bánh.
Tương tự, chị Trần Huyền Trang ở Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) cũng thừa nhận, bánh trung thu handmade năm nay khá hot, được khách đặt mua rất nhiều. Cách đây 4 ngày chị đã phải dừng nhận đơn hàng cho đến hết rằm tháng 7 vì sợ không làm kịp.
Chị Trang cho hay, đây là năm thứ hai chị làm bánh trung thu bán và cũng chỉ làm hai loại truyền thống là bánh nướng và bánh dẻo, với các loại nhân nhuyễn, nhân thập cẩm trứng muối. Thế nhưng, lượng khách năm nay đặt mua tăng gấp 4 lần năm ngoái.
|
Bánh trung thu truyền thống handmade. |
“Nhà tôi có hai người làm, riêng tôi chỉ tranh thủ được vào buổi tối vì ban ngày giờ hành chính phải đi làm. Do đó, mỗi ngày tôi chỉ nhận dưới 200 bánh trung thu các loại, quá lượng này sẽ không thể làm kịp thời gian nướng kéo dài”, chị chia sẻ.
Chị Trang cũng cho hay, năm nay chị bắt đầu nhận đơn bánh trung thu từ đầu tháng 8 dương lịch vì mọi người thích ăn sớm và muốn đặt bánh đem đi biếu tăng. Vậy mà khách cũng phải đặt trước ít nhất 3 ngày mới có. Riêng dịp cuối tháng 8, đơn đặt bánh dồn dập và chị phải chốt sổ, không nhận thêm.
“Phần lớn khách đặt mua bánh handmade là bạn bè, người quen, đồng nghiệp. Thế nên, bánh làm phải đảm bảo ngon, sạch, đẹp. Bánh mà không đảm bảo sẽ mất uy tín và mất khách. Đó cũng là lý do mà tôi chỉ nhận làm tối đa 200 bánh mỗi ngày, bởi nếu vượt quá số này dễ làm nhanh làm ẩu lắm”, chị chia sẻ.
Theo Bảo Phương/VNN