|
Hiện tại, mức thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 900 triệu của An Phát cũng đang đứng thứ 2 chỉ sau mức thưởng 1,17 tỷ đồng của một ngân hàng tại TP.HCM. |
Theo số liệu khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương tại 200 doanh nghiệp trên địa bàn, mức thưởng Tết của các doanh nghiệp bình quân đạt 4,4 triệu đồng. Mức thưởng cao nhất là 900 triệu đồng thuộc về một lao động làm việc tại Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát.
Công ty cổ phần Nhựa và môi trường Xanh An Phát là một doanh nghiệp chuyên sản xuất nhựa có nhà máy thuộc cụm công nghiệp An Đồng, Nam Sách, Hải Dương.
Hiện tại, mức thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 900 triệu của An Phát cũng đang đứng thứ 2 chỉ sau mức thưởng 1,17 tỷ đồng của một ngân hàng tại TP.HCM. Được biết, cuối tháng 12/2018, doanh nghiệp này cũng đã chi hơn 30 tỷ đồng để mua 45 xe ôtô và 20 xe máy điện cho các nhân viên có kết quả làm việc tốt trong năm vừa qua.
Nhadautu.vn đã xác minh với đại diện Công ty cổ phần Nhựa và môi trường Xanh An Phát, ông Đoàn Việt Khương (phụ trách công bố thông tin) cho biết, nhiều năm nay doanh nghiệp này đã thưởng Tết ô tô cho nhân viên, tuy nhiên năm nay mới công bố.
Trong 2 năm trước đó (2017-2018), cũng chính An Phát là doanh nghiệp có mức thưởng Tết cho nhân viên cao nhất với lần lượt số tiền 700 triệu và gần 800 triệu đồng/người.
Dù mức lợi nhuận thu về năm qua không đạt kỳ vọng nhưng doanh nghiệp này vẫn thực hiện chính sách chi thưởng Tết đậm cho nhân viên của mình.
Cụ thể, Công ty cổ phần Nhựa và môi trường Xanh An Phát có vốn điều lệ lên tới 1.712 tỷ đồng, trong đó, An Phát Holdings đang nắm giữ trên 46% vốn doanh nghiệp này.
Năm 2018, An Phát đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến là 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 330 tỷ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2018, công ty đã thu về xấp xỉ 7.000 tỷ đồng doanh thu, vượt 17% kế hoạch nhưng lợi nhuận sau thuế lại dự kiến chỉ đạt 200 tỷ đồng.
Nguyên nhân được ban lãnh đạo lý giải do năm vừa qua công ty này đã mở rộng hoạt động kinh doanh và đưa vào hoạt động thêm 2 nhà máy giúp doanh thu tăng mạnh. Tuy nhiên, do một số hợp đồng thực hiện chậm, không được hạch toán vào năm 2018 và phải hoãn sang năm 2019 cùng với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến lợi nhuận giảm sút.
So với năm 2017, mức lợi nhuận An Phát thu về năm nay đã giảm gần 24%, và chỉ đạt hơn 60% so với kế hoạch cả năm.
"Đây là sự quan tâm của lãnh đạo đến cán bộ nhân viên công ty và cũng là chiến dịch dài hơi của An Phát", ông Khương cho hay.
Theo Hà My/Nhà Đầu Tư