Dân Quảng Nam xuyên rừng thiêng nước độc săn loài "ong tử thần"

Google News

Kinh nghiệm cùng với bộ trang bị bảo hộ...tự chế giúp nhiều người dân ở huyện miền núi Tiên Phước (Quảng Nam) xuyên rừng thiêng nước độc, đối mặt với ong vò vẽ - loại côn trùng được mệnh danh là “ong tử thần”…

Lội rừng bắt "ong tử thần"
Trời vừa tờ mờ sáng, nhóm thợ chuyên “săn ong” ở xã Tiên Hiệp (huyện Tiên Phước) đã lỉnh kỉnh đồ đạc chuyên dụng để lên đường hành nghề. Điểm đến của họ, là những cánh rừng tít tắp ở xã Trà Đốc (huyện Bắc Trà My), nơi đã được khảo sát từ trước đó nhiều ngày.
Cuốc bộ vào cánh rừng keo cách xa đường ô tô chừng một cây số, anh Nguyễn Tấn (30 tuổi, trú xã Tiên Hiệp) dõi mắt nhìn về phía rừng cây lúp xúp phía xa, định hình lại đường đi. Giữa bốn bề là rừng núi, việc định vị tổ ong chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của những người đã có nhiều năm theo cái nghề độc đáo này.
Dan Quang Nam xuyen rung thieng nuoc doc san loai
Người thợ săn ong với bộ đồ bảo hộ tự chế để bắt ong vò vẽ.Ảnh: THÀNH CÔNG 
Anh Tấn chia sẻ, nhờ nắng sớm, có thể dễ quan sát thấy ong vò vẽ và đường bay về tổ của chúng. “Chỉ có tầm này mới dễ thấy được ong, và đường bay của ong cũng ngắn hơn, dễ nhận biết vị trí tổ ong vò vẽ. Trễ hơn chút nữa, nắng lên cao là coi như “mò kim”. Loài ong này, khi về gần tổ thì tự động xếp cánh và rơi xuống rất nhanh, đồng thời lượng ong vào, ra tổ cũng khá nhiều nên dễ thấy” - anh Tấn nói.
Ong vò vẽ là loại ong khá phổ biến, thường làm tổ bằng phân gia súc, mảnh vỏ cây, bám trên thân, cành cây. Loài này có độc tính rất cao. Nọc của ong vò vẽ cực độc, người bị ong đốt có thể tử vong nếu không được cứu chữa tích cực, đúng cách và triệt để. Chỉ cần bị ong đốt một, hai mũi cũng có thể dẫn đến đau buốt, sưng nề ngay lập tức, đồng thời gây sốt, nặng hơn là suy gan, tổn thương thận… Do đặc tính đó nên nhiều người gọi ong vò vẽ là “ong tử thần”.
Loài ong vò vẽ làm tổ bằng phân gia súc và những mảnh nhỏ vỏ cây khô. Là thợ lâu năm, những người như anh Tấn đã sành đến mức chỉ cần nhìn thấy ong vò vẽ là đoán định tương đối chính xác kích cỡ tổ ong nhờ vào kích thước của chỉ một con ong bình thường. Ong càng lớn, thì tổ càng to, và ngược lại. Thông thường, việc định vị tổ mất khoảng gần mười phút.
Đoàn người theo hướng anh Tấn chỉ tay, tiến về phía bụi cây rậm. Kinh nghiệm của người thợ đã mách bảo chính xác, một tổ ong kích cỡ to chừng chiếc mũ bảo hiểm được phát hiện. Sau khi ngó nghiêng địa thế, anh Tấn mở ba lô, lôi ra bộ áo quần chuyên dụng “tự chế” khoác vào người.
Bộ áo quần khá dày, thêm một đôi ủng và hai lớp găng tay cao su, bọc ngoài một lớp găng tay vải chắc chắn. Trên đầu, là phần mặt nạ, bảo vệ mắt bằng kính. Một lớp “áo giáp” che chắn kỹ lưỡng từ đầu đến chân, nhằm tránh được những mũi chích nọc độc “sát thủ” của loài ong vò vẽ. Đôi tay thoăn thoắt dùng rựa phát dọn, anh chặt nguyên cành cây mà tổ ong đang bám vào, rồi mang ra.
Công việc mất chưa đầy 2 phút, nhưng là cả một quy trình chuẩn bị công phu của người thợ. “Nếu không kỹ lưỡng, có thể nguy hiểm đến tính mạng vì nọc của ong vò vẽ rất độc. Nhiều người chỉ cần dính một lần tấn công của ong vò vẽ đã có thể đau đến phát sốt” - anh Tấn lý giải.
Trên “bộ áo giáp” của anh Tấn, vẫn còn hàng chục con ong bu bám xung quanh, phải đi một chặng rất xa, những con ong này mới thôi không đeo đuổi người thợ nữa.
Anh Võ Tấn Ngôn (21 tuổi) thợ săn ong đồng hành với anh Tấn cho hay, trước đây, thợ bắt ong thường đốt bùi nhùi rồi đuổi ong để lấy tổ. Tuy nhiên, cách này vừa nguy hiểm, vừa có thế gây cháy rừng do ong thường cư trú ở những vùng đồi thấp, cây cối rậm rạp dễ bắt lửa.
Để đảm bảo an toàn đồng thời giảm nguy cơ gây cháy, thợ săn ong ở Tiên Phước bắt đầu nghiên cứu, tự chế ra bộ trang bị bảo hộ đặc biệt. Từ khi sử dụng bộ bảo hộ tự chế này, nguy cơ bị tấn công cũng giảm thiểu, mà lại đỡ lo cháy rừng, trong khi đàn ong vẫn sống, có thể nhanh chóng tái tạo lại một tổ khác.
Hành trình của nhóm thợ không dừng lại. Họ tiếp tục di chuyển, lần theo vết những tổ ong đã được đánh dấu từ trước, hoặc tìm kiếm đàn ong mới. Kinh nghiệm trong nghề nhưng kèm theo đó còn là vận may, khi có ngày họ lấy được hàng chục tổ ong, nhưng cũng có ngày chỉ được vài tổ.
Mùa ong làm tổ thường từ tháng 5 đến tháng 9. Cứ thế, họ đi khắp các cánh rừng, lần theo những cánh ong. Thợ săn ong vò vẽ chỉ chọn những tổ có kích thước đạt, tổ nhỏ họ sẽ để lại, chờ ong lớn rồi mới bắt. Do ong vò vẽ sinh trưởng khá nhanh, nhiều khi chỉ cần hơn một tháng sau khi bắt, đã có một tổ ong mới ngay gần vị trí tổ cũ hoặc ngay ở tổ cũ.
Gắn bó với nghề nguy hiểm
Những chuyến bắt ong cứ nối tiếp nhau. Cứ tờ mờ sáng thợ săn ong đã lên đường, và trở về nhà khi vừa chiều để kịp tách tổ, lấy nhộng và ong non giao cho thương lái. Không đơn giản như lúc lấy tổ, việc tách tổ mất thời gian hơn nhiều. Tổ ong gồm nhiều tầng, trong đó tầng nhộng ong, ong non và ong già được để riêng ra từng loại. Họ xé lớp vỏ bọc ngoài tổ, sau đó khéo léo giũ để ong rơi xuống, nhưng vẫn có nhiều con ong mắc sâu lại, phải cẩn thận kéo ra để nhộng, ong non không bị vỡ.
Mất hơn một giờ đồng hồ, nhóm thợ của anh Tân gỡ xong gần chục tổ ong vò vẽ, thành quả của một ngày săn trong rừng. Những con nhộng ong, ong non nung núc trắng, được đưa vào rửa sạch, loại bỏ những mảnh vụn của tổ ong và để khô. Tổng cộng, có hơn 5 ký nhộng ong, với mức giá thu mua trung bình 250 nghìn đồng, các thương lái đến tận nơi lấy về để cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu chế biến thành món ăn.
“Món này vừa ngon, vừa bổ dưỡng, được khá nhiều người ưa chuộng nên bán rất chạy. Cách chế biến cũng đủ loại, từ chiên, xào, nấu cháo… Hàng quán không đủ lượng nhộng ong để phục vụ nên chưa bao giờ ế ẩm cả. Riêng ong non có cánh, được đặt mua riêng để về ngâm rượu, trở thành một loại rượu đặc sản ở vùng này” - anh Ngôn chia sẻ.
Dan Quang Nam xuyen rung thieng nuoc doc san loai
Nhộng ong, ong vò vẽ non được bán với giá bình quân 250 nghìn đồng mỗi ký.Ảnh: THÀNH CÔNG 
Nghề bắt ong vò vẽ mang lại thu nhập khá cao đối với những người chuyên đi bắt ong như anh Ngôn, anh Tân. Tuy nhiên, gắn bó với nghề này, họ cũng đối mặt với khá nhiều hiểm nguy không thể kể hết trên hành trình rong ruổi giữa rừng thiêng nước độc.
Anh Tân kể, nhiều chuyến đi, họ gặp phải rắn, rết, nhiều khi sơ suất ong lọt được vào bên trong bộ đồ bảo hộ, thợ bị ong đốt nhiều mũi, nhưng phải cố gắng chịu đau để bắt. Anh rể của anh Tân, người cũng từng theo anh làm nghề săn ong vò vẽ, cách đây ba năm bị cành cây kéo rách áo bảo hộ, ong vò vẽ đốt hàng chục mũi phải đưa đi cấp cứu. Rất may, nhờ cứu chữa kịp thời, anh được bảo toàn tính mạng.
“Nguy hiểm trập trùng, nhiều lúc không lường trước được. Nhưng, cuộc mưu sinh nào cũng có vất vả riêng, chúng tôi chấp nhận, và tự dặn mình càng phải cẩn thận khi vào rừng. Dẫu sao, nghề này cũng giúp chúng tôi có được thu nhập khá, trang trải nhiều chi phí cho gia đình” - anh Tân tâm sự.
Theo Thành Công /Báo Quảng Nam