Thông tin Công ty CP Giám định Đại Minh Việt làm giả giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mà Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vừa công bố tại buổi họp báo chiều ngày 6/7 đang gây xôn xao dư luận.
|
Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) thông tin về vụ việc. (Ảnh: Hải Quan Online). |
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý của vụ việc trên, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Phạm Thu Hà - Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Tại Việt Nam, Bộ Công thương là cơ quan thực hiện cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Hoặc ủy quyền cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các tổ chức khác thực hiện việc cấp C/O.
Luật sư Hà cho biết, mỗi cơ quan được cấp một số loại C/O nhất định, cụ thể: C/O có nhiều mẫu để phù hợp với nhiều loại hàng hóa, và từ đó thẩm quyền cấp C/O cùng được phân ra như: VCCI thì cấp giấy chứng xuất xuất xứ hàng hóa C/O form A, B…; các phòng quản lý xuất nhập khẩu của Bộ Công thương cấp C/O form D, E, AK,…; các ban quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp được ủy quyền cấp C/O form D, E, AK,…
|
Website của Công ty CP Giám Định Đại Minh Việt (DMV Control). (Ảnh chụp màn hình). |
|
Công ty CP Giám định Đại Minh Việt đã tự thiết kế mẫu giấy C/O, nhận thông tin về các lô hàng xuất khẩu để phát hành tổng số 392 C/O cho 33 doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. (Ảnh minh họa). |
Trở lại với vụ việc nêu trên, luật sư Hà nhấn mạnh việc doanh nghiệp không được cơ quan có thẩm quyền ủy quyền cấp C/O như trường hợp của Công ty CP Giám định Đại Minh Việt, nhưng lại tự phát hành C/O cho nhiều doanh nghiệp trong nước là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Việc Công ty CP Giám định Đại Minh Việt tự ý cấp C/O khi không có phép có dấu hiệu của việc làm giả giấy tờ. Hành vi và mức xử phạt này được quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Theo đó, Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức:
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm”.
“Các cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi, thủ đoạn vi phạm của Công ty CP Giám định Đại Minh Việt để tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, luật sư Hà kiến nghị.
Luật sư Phạm Thu Hà: Quy trình cấp C/O hiện tại cơ bản tiến hành như sau:
1. Ðơn đề nghị cấp C/O (1 bản).
2. Các tờ C/O đã kê khai hoàn chỉnh: Tối thiểu 4 bản. (1 bản chính và 1 bản copy C/O cho khách hàng; 1 bản copy đơn vị C/O lưu; 1 bản copy cơ quan cấp C/O.
Lưu ý: C/O Form ICO phải làm thêm 1 bản First copy. Để VCCI chuyển cho Tổ chức cà phê quốc tế ICO.
3. Các chứng từ xuất khẩu (Chứng minh hàng xuất khẩu từ Việt Nam)
+ Giấy phép xuất khẩu. (nếu có)
+ Tờ khai hải quan hàng xuất.
+ Giấy chứng nhận xuất khẩu. (Nếu có)
+ Invoice.
+ Vận đơn.
4. Các chứng từ giải trình và chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa:Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa
+ Chứng từ mua bán, ủy thác xuất khẩu,. thành phẩm
+ Ðịnh mức hải quan (nếu có)
+ Bảng kê khai nguyên liệu sử dụng
+ Chứng từ nhập, hoặc mua nguyên liệu
+ Quy trình sản xuất tóm tắt (trong trường hợp quy định xuất xứ có quy định liên quan, hoặc khi các chứng từ khác chưa thể hiện rõ xuất xứ của hàng hóa).
+ Giấy kiểm định (hoặc giám định) của cơ quan chuyên ngành chức năng (trong trường hợp quy định xuất xứ có quy định liên quan. Hoặc khi các chứng từ khác chưa thể hiện rõ xuất xứ của hàng hóa).
Ngoài ra, với tùy loại hàng hóa và yêu cầu cụ thể, cơ quan có thẩm quyền có quyền yêu cầu cung cấp thêm một số loại giấy tờ khác.
Công ty CP Giám định Đại Minh Việt là doanh nghiệp không có thẩm quyền cấp C/O nhưng đã lợi dụng danh nghĩa là hội viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để thực hiện cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp.
Lãnh đạo Cục điều tra chống buôn lậu cho hay, từ 1/1/2018 đến nay, thông qua các đơn vị môi giới hoặc chính các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu, Công ty CP Giám định Đại Minh Việt đã tự thiết kế mẫu giấy C/O, nhận thông tin về các lô hàng xuất khẩu để phát hành tổng số 392 C/O cho 33 doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành khác nhau trên cả nước để các doanh nghiệp này xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Công ty CP Giám định Đại Minh Việt thu số tiền từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng/1 C/O phát hành, tổng số tiền thu lợi bất chính bước đầu xác định khoảng trên 300 triệu đồng.
Theo lãnh đạo Cục điều tra chống buôn lậu, quá trình điều tra, Giám đốc Công ty CP Giám định Đại Minh Việt thừa nhận hành vi phát hành C/O nêu trên là trái quy định của pháp luật. Ngoài việc trực tiếp ký phát hành, Giám đốc Công ty này còn chỉ đạo 2 Phó Giám đốc ký phát hành C/O cho các doanh nghiệp.
Khánh Hoài