Chủ mới, diện mạo mới
Cuối năm 2016, việc ông chủ Daewon của khu đô thị lấn biển Đa Phước - Đà Nẵng thoái vốn và được “đại gia” Novaland cùng đối tác mua lại đã kết thúc gần một thập niên dự án đóng băng, gây xôn xao thị trường bất động sản Đà Nẵng.
Tiếp nhận dự án, Novaland và đối tác ngay lập tư đổi tên Khu đô thị quốc tế Đa Phước, hay còn gọi là D-City do Công ty TNHH Daewon Cantavil làm chủ đầu tư, thành Khu đô thị The Sunrise Bay.
Đây là khu đô thị lấn biển lớn nhất tại khu vực miền Trung, diện tích lên đến 210 ha, với số vốn đầu tư 250 triệu USD. Tuy nhiên, khi tiếp nhận dự án, ông chủ mới Novaland chỉ đầu tư trên diện tích 180 ha.
|
Những dự án treo nhiều năm chưa được hồi sinh mặc dù đã thay tên đổi chủ. |
Sự hồi sinh của dự án này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt thành phố Đà Nẵng, kết thúc thời gian dài bị bỏ hoang khiến dư luận bức xúc.
Một thương vụ đình đám khác gây xôn xao dư luận Đà Nẵng đầu năm 2016 khi PPCAT tuyên bố đầu tư 10.000 tỷ đồng xây dựng tổ hợp căn hộ - khách sạn Ánh Dương - Soleil, trên khu đất vàng ven biển rộng 21.800m2 tại giao lộ đường Trường Sa - Hoàng Sa với đường Phạm Văn Đồng, TP Đà Nẵng.
Khu đất vàng này trước đây do Tập đoàn Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD Holdings) - nay là Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD), đầu tư. Tuy nhiên, dự án này bị “treo” suốt 5 năm.
Sau khi được thay tên đổi chủ, theo công bố từ chủ đầu tư mới, dự án sẽ có 1 tòa chung cư 47 tầng, 2 tòa chung cư 58 tầng và 1 tòa căn hộ - khách sạn cao 47 tầng với khoảng 1.000 căn hộ.
Gần đây, hàng loạt thương vụ M&A diễn ra tại Đà Nẵng, giữa các DN địa ốc. Điển hình như Đất Xanh Miền Trung hợp tác với Công ty CP đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng phát triển dự án An Viên Đà Nẵng và đổi tên thành Ngo Quyen Trade Center. Dự án khu đô thị sinh thái Ecorio - Đà Nẵng được đổi tên thành dự án Chăm River park,... Hay mới nhất, dự án The Summit được công ty địa ốc Minh Trần đổi tên thành dự án Sơn Trà Ocean View.
Những cảnh báo
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia bất động sản Đà Nẵng, sau khi thay tên, rót tiền đầu tư, các ông chủ mới đều kỳ vọng, những dự án bất động sản treo cả chục năm này sẽ hồi sinh.
Thế nhưng, vì treo quá lâu nên hầu hết dự án đều gặp khó khăn.
“Việc đổi tên diễn ra khá phổ biến để phù hợp với chiến lược phát triển mới như phát triển xanh, phát triển thành khu tổ hợp căn hộ thương mại dịch vụ,... và không ảnh hưởng nhiều đến dự án.
|
Trong “ma trận” thay tên, đổi họ dự án, người mua bất động sản phải cẩn thận để tránh rủi ro. Dự án Golden Square là một ví dụ điển hình. |
Nhưng cũng có dự án chủ đầu tư thay đổi tên để làm mới - đặc biệt là những dự án đã dính tai tiếng hoặc phù hợp với chiến lược marketing sản phẩm” - giám đốc một công ty BĐS tại Đà Nẵng đánh giá.
Song, ông Hoàng Quân - một chuyên gia bất động sản, cho rằng, đây cũng chỉ là một thành tố nhỏ quyết định thành công của dự án. Chỉ những dự án tốt và uy tín mới bán được hàng.
Ông Quân nói thêm, trước khi quyết định xuống tiền, người mua sẽ xem dự án đó do ai đầu tư, vị trí như thế nào, có tai tiếng không, thậm chí còn phải “xem tận mắt, sờ tận tay”... Vì thế, không phải dự án nào khi đổi tên cũng có thể sống lại, bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như diễn biến thị trường thời điểm đó và năng lực của chủ đầu tư mới.
Trong “ma trận” thay tên, đổi họ dự án, người mua bất động sản cần lưu ý những gì để tránh rủi ro?
Lời khuyên chung của các chuyên gia là phải lựa chọn những chủ đầu tư và nhà phân phối có uy tín trên thị trường, bởi trên thực tế, không ít doanh nghiệp sau khi thâu tóm đã để đó không triển khai, thậm chí thay đổi cả công năng của dự án.
Trên địa bàn TP Đà Nẵng, không thiếu những trường hợp như vậy.
Dự án Olalani Riverside Towers là một ví dụ. Với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD, dự án này được công ty Mỹ Phát chuyển nhượng cho Tổng công ty CP Tài chính Dầu khí Việt Nam, mới đây lại chuyển nhượng tiếp cho SunGroup và biến thành một khu liên hợp luyện tập thể dục thể thao và văn phòng.
Hay như dự án Golden Square được Công ty Địa ốc Đông Á khởi công cách đây gần 10 năm - với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là 495 tỷ đồng trên diện tích 10.664m2.
Ngay sau khi tiếp nhận chủ đầu tư đã “vẽ” ra dự án rất hoành tráng với 3 tòa tháp cao 21-36 tầng, trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và chung cư cao cấp với tổng vốn đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2011.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án chỉ mới hoàn thành tường vây, móng, 2 tầng ngầm và sàn lầu 2 khối đế tòa nhà. Sau thời gian dài, công trình vẫn bất động, không có một bóng xe, thiết bị, công nhân nào trên công trường.
Sau thời gian dài đắp chiếu, giữa năm 2016, dự án Golden Square đã được Công ty CP Địa ốc Đông Á chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Alphanam. Đến nay, dự án này vẫn đang nằm bất động, phơi nắng phơi mưa.
Theo Vũ Trung/Vietnamnet