Ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến 31/5, tín dụng toàn ngành kinh tế đạt trên 6,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,16% so với cuối năm 2017. Theo ông Tần, tín dụng trong những tháng đầu năm 2018 đã tập trung cho các ngành sản xuất, kinh doanh, là động lực của tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, đến cuối tháng 5/2018, dư nợ tín dụng đối với một số ngành có mức tăng khá như: Ngành công nghiệp và xây dựng ước tăng 6,83%; ngành thương mại và dịch vụ ước tăng 5,7%; ngành ưu tiên, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 5,8%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 15,64%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 6,29%; doanh nghiệp nhỏ và va tăng 2,61%...
Đối với các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt khoảng 40.000 tỷ đồng với 14.723 khách hàng; dư nợ cho vay để ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá đạt trên 10.650 tỷ đồng; dư nợ cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt khoảng 4.800 tỷ đồng; dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 179.048 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2017 với hơn 6,7 triệu khách hàng...
Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, mặt bằng lãi suất trong những tháng đầu năm 2018 được giữ ổn định, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm, trong đó các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm khoảng 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt. Hiện nay, lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn, trung và dài hạn khoảng 9-11%/năm; đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, mức tín nhiệm cao lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ khoảng 4-5%/năm.
Liên quan tới vấn đề nợ xấu, NHNN cho biết, đến nay, về cơ bản, các ngân hàng thương mại đã xây dựng xong phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, trình NHNN phê duyệt. Đến cuối tháng 3/2018, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng chiếm 2,18% tổng dư nợ. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 100,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong những tháng cuối năm 2018 sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng có hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra từ đầu năm là 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7% và lạm phát bình quân khoảng 4%. Cơ quan này cũng đã đưa ra nhiều biện pháp, trong đó có mở rộng tín dụng có hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản.
Theo C.Sơn/baogiaothong