Công ty CP Tập đoàn Asanzo bị cưỡng chế do doanh nghiệp này có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế của Asanzo là trên 47,107 tỷ đồng.
Quyết định cưỡng chế dừng dừng thủ tục đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của Asanzo có hiệu lực 1 năm đến 20/12/2023. Và chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế nợ của doanh nghiệp được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.
|
Cưỡng chế dừng thủ tục hải quan với hàng hóa của Asanzo do nợ thuế - Ảnh minh họa, nguồn internet |
Công ty CP tập đoàn Asanzo có địa chỉ tại phòng 903, tầng 9, tòa nhà Flemington Tower, số 182 Lê Đại Hành, phường 15, Q.11, TP.HCM.
Asanzo được thành lập vào cuối năm 2013 với nhà máy ban đầu có trị giá 20 triệu USD được xây dựng tại TP. HCM. Năm 2014, Asanzo kinh doanh các mặt hàng điện gia dụng – điện tử với những sản phẩm tivi giá rẻ dành cho thị trường nông thôn, sau đó mở rộng dần sang mặt hàng điện lạnh, điện tử.
Các mặt hàng bán chạy của doanh nghiệp này như: Smart TV, máy lạnh, quạt, bếp hồng ngoại, bình đun nước, lò nướng, nồi cơm điện, lò vi sóng, máy xay sinh tố, bàn ủi.
Theo giới thiệu, tivi Asanzo được sản xuất và lắp ráp dựa trên công nghệ Nhật Bản hiện đại và chất lượng cao. Với lợi thế sản xuất và lắp ráp ngay tại thị trường nội địa do đó giá thành của các mẫu tivi Asanzo cũng thấp hơn nhiều so với các thương hiệu cạnh tranh khác như Samsung, Sony, LG...
Tìm hiểu cho thấy, ban đầu cổ đông sáng lập lên Tập đoàn Asanzo là ông Phạm Văn Tam (nắm 90% vốn), Công ty TNHH Truyền thông Asanzo (2%), Công ty Điện tử Asanzo Việt Nam (2%), Phạm Xuân Tình (2%), Phạm Văn Toán (2%) và Phạm Thị The (2%). Tuy nhiên, ông Phạm Văn Tam đã dần thoái vốn, hiện nay người đại diện pháp luật của Asanzo là ông Phạm Xuân Tình.
Minh Quang