Cty Thăng Long san lấp sông Sóc Sơn trái phép: Phạt 4 triệu... “nâng đỡ không trong sáng” doanh nghiệp?

Google News

UBND xã Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội) đã xử phạt hành chính 4 triệu đồng đối với ông Lương Ngọc Long vì đổ 350m3 đất san lấp ở ngã ba sông Công - sông Cầu. Tuy nhiên, việc xử phạt của xã này đã xác định đúng hành vi vi phạm của ông Long hay chưa?

“Làm láo, báo cáo hay”?
Liên quan đến sự việc cty Thăng Long san lấp sông Sóc Sơn trái phép, dựng trạm trộn bê tông trái phép làm điểm tập kết khoáng sản cát sỏi, sau hơn 1 tháng liên hệ, sáng ngày 6/5, PV Báo Tri thức và Cuộc sống mới có buổi làm việc với ông Ngô Đăng Giang - Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn.
PV được ông Giang cung cấp văn bản báo cáo số 26/BC-UBND của UBND xã Trung Giã ngày 4/5 do ông Đỗ Văn Kiên - Phó Chủ tịch ký, về việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đê điều, phòng chống thiên tai đối với ông Lương Ngọc Long và vi phạm trong lĩnh vực đất đai và trật tự xây dựng của ông Vũ Trung Hiếu.
Theo nội dung văn bản, ngày 4/3/2021, Hạt quản lý quản lý đê Sóc Sơn phối hợp cùng UBND xã Trung Giã đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều đối với ông Long. Đến ngày 10/3/2021, UBND xã ban hành quyết định xử phạt hành chính 4 triệu đồng cùng biện pháp khắc phục hậu quả khôi phục lại hiện trạng ban đầu của khu đất trước khi vi phạm.
Nội dung văn bản còn cho biết, ngày 12/3/2021, ông Long đã nộp phạt và tiếp tục thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Trong các ngày 7/4/2021 và 15/4/2021, Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, Hạt quản lý đê Sóc Sơn và UBND xã Trung Giã đã phối hợp kiểm tra việc khắc phục vi phạm của ông Long.
“Tại thời điểm kiểm tra, cá nhân vi phạm đã khắc phục được 300/350m3 đất. Tuy nhiên, do thời tiết mưa liên tục đã khiến việc khắc phục hậu quả còn chậm”, văn bản nêu.
Cty Thang Long san lap song Soc Son trai phep: Phat 4 trieu... “nang do khong trong sang” doanh nghiep?
 Đất, đá san lấp trái phép ở khu vực ngã ba sông Công - sông Cầu được san bằng phẳng, không mấy thay đổi so với trước đó. (Ảnh ghi nhận trưa 6/5).
Tiếp đó, các ngày 27/4/2021 và 29/4/2021, các cơ quan chuyên môn của huyện Sóc Sơn, xã Trung Giã tiếp tục kiểm tra thấy ông Long “khắc phục gần xong hậu quả do hành vi đổ đất của mình gây ra”.
Đối với khu đất ông Vũ Trung Hiếu sử dụng đang có lán tạm, 2 trạm trộn bê tông, dòng dọc, 2 sân bê tông. UBND xã Trung Giã đã có các văn bản thông báo và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, đến nay ông Hiếu chưa tháo dỡ trạm trộn bê tông và các công trình vi phạm.
Mời độc giả xem video: Hiện trường san lấp sông trái phép ở ngã ba sông Công - sông Cầu (Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội) mà PV ghi nhận vào trưa ngày 6/5:

 

Trước các thông tin trên, PV đã đặt câu hỏi liên quan với ông Ngô Đăng Giang: Tại sao văn bản lại nêu đối tượng vi phạm là ông Lương Ngọc Long và ông Vũ Trung Hiếu. Trong khi, thông tin với phóng viên trước đó ông Nguyễn Văn Bảo - Hạt trưởng Hạt quản lý đê Sóc Sơn lại khẳng định đối tượng vi phạm là Công ty Thăng Long do ông Lương Ngọc Long làm đại diện pháp luật?
Tuy nhiên, vị cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn chỉ trả lời rất chung chung và cho rằng đó là trách nhiệm của Hạt quản lý đê Sóc Sơn (?!)
PV tiếp tục hỏi ông Giang về phần vi phạm của ông Long, văn bản nêu ông này đổ đến 350m3 đất, nhưng chỉ bị xã xử phạt 4 triệu đồng? Việc xử phạt của xã Trung Giã đã xác định đúng hành vi vi phạm của ông Long hay chưa? PV cũng đề nghị được tiếp cận quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Long.
Như trên, ông Giang “đá” trách nhiệm về UBND xã Trung Giã. Đồng thời, ông này yêu cầu PV xuống làm việc với xã để nắm bắt thêm các nội dung, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện dựa vào các thông tin xã báo cáo lên để tham mưu.
PV sau đó nhiều lần gọi điện liên hệ với ông Nguyễn Văn Bảo - Hạt trưởng Hạt quản lý đê Sóc Sơn và ông Đinh Văn Thọ - Chủ tịch UBND xã Trung Giã để làm thêm rõ các thông tin, nhưng cả hai vị này đều không nghe máy.
Chính quyền có thực sự quyết liệt?
Trong diễn biến liên quan, trước đó ngày 14/4, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản gửi UBND xã Trung Giã, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Phòng Kinh tế huyện, Hạt quản lý đê Sóc Sơn chỉ đạo, xử lý vi phạm trong việc tập kết cát, sỏi, đất trên địa bàn xã Trung Giã.
Nội dung yêu cầu các đơn vị kiểm tra, thiết lập, hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm trong việc sử dụng đất của hộ ông Vũ Trung Hiếu và ông Lương Ngọc Long theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo UBND huyện Sóc Sơn để xử lý theo quy định. Thời gian thực hiện xong trước ngày 30/4/2021.
“Chịu trách nhiệm trước UBND huyện Sóc Sơn nếu không xử lý dứt điểm việc đổ đất xuống bãi sông của ông Long”, văn bản nhấn mạnh.
Cty Thang Long san lap song Soc Son trai phep: Phat 4 trieu... “nang do khong trong sang” doanh nghiep?-Hinh-2
 Nhiều khối lượng đất, đá đổ lấp lấn ra phía lòng sông vẫn chưa được khắc phục.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc với ông Ngô Đăng Giang - Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn sáng ngày 6/5, vị này khẳng định với PV, việc ông Lương Ngọc Long đổ đất xuống sông Cầu là để giữ đất, giảm sụt lún khi mỏ cát bên tỉnh Bắc Giang khai thác. Đến thời điểm này, ông Long đã khắc phục gần xong phần vi phạm?
Thế nhưng, khi PV đề nghị phối hợp cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xuống trực tiếp hiện trường, kiểm tra hiện trạng thì ông Giang viện lý do rồi từ chối.
Trưa cùng ngày, PV quay trở lại hiện trường ngã ba sông Công - sông Cầu. Thực tế cho thấy cả trăm mét bờ, lòng sông khu vực này bị san lấp trái phép không mấy thay đổi. Thậm chí hiện trường còn xuất hiện một vài đống đất, đá như để tiếp tục lấp lấn ra sông.
Cty Thang Long san lap song Soc Son trai phep: Phat 4 trieu... “nang do khong trong sang” doanh nghiep?-Hinh-3
Trạm trộn bê tông không có dấu hiệu tháo dỡ. 
Cùng với đó là những núi cát, sỏi vẫn được tập kết ngổn ngang tại khu vực vi phạm. Hai trạm trộn bê tông dựng trái phép ở đây cũng không có dấu hiệu tháo dỡ. Đặc biệt, nằm xung quanh các trạm trộn này vẫn là hàng trăm chiếc cống cỡ lớn, trong khi xe ô tô ra vào vận chuyển liên tục, rầm rộ.
Thực tế, hiện trường ngã ba sông Công - sông Cầu bị san lấp trái phép khác xa nhiều so với những thông tin mà cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn đã cung cấp cho PV. Liệu rằng ông Lương Ngọc Long có đang khắc phục hậu quả vi phạm như văn bản báo cáo của UBND xã Trung Giã? Chính quyền xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hạt quản lý Đê Sóc Sơn đã thực sự quyết liệt xử lý vi phạm xảy ra?
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND xã được quy định tại khoản 1, Điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Như vậy, việc xử phạt vi phạm hành chính ở mức dưới 5 triệu đồng thì thẩm quyền xử phạt thuộc chủ tịch UBND cấp xã. Tuy nhiên, trong vụ việc này cần phải xem xét việc xử phạt của UBND xã Trung Giã đã xác định đúng hành vi vi phạm của ông Lương Ngọc Long hay chưa?
Tại Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đã quy định rất rõ về mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm.
Đặc biệt, tại Điều 17 và 20 của nghị định này nêu: “Phạt tiền từ 30 triệu đồng đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: …Xây dựng nhà ở, công trình phụ, cầu, kè, bến bốc dỡ hàng hóa, nơi sản xuất, bãi chứa vật liệu trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi”; “... 6. Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Để vật liệu ở lòng sông, bãi sông gây cản trở dòng chảy, thoát lũ và trong hành lang bảo vệ đê điều với khối lượng từ 200m3 trở lên; Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt; Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản trong phạm vi bảo vệ đê điều…".
Luật sư Hoàng Tùng cũng cho rằng trách nhiệm của UBND xã Trung Giã, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn, Hạt quản lý đê điều Sóc Sơn trong sự việc này là điều không thể tránh khỏi.
Những cơ quan, phòng ban và cán bộ, công chức nhận nhiệm vụ quản lý nhưng đã để hành vi vi phạm xảy ra ngang nhiên. Khi phát hiện thì chậm trễ trong quá trình xử lý, đến khi có sức ép từ dư luận, báo chí thì việc xử lý mới được tiến hành. Rõ ràng, công tác thực hiện nhiệm vụ không được chú trọng, gây ra thiệt hại cho nhà nước và người dân.
Do đó, cần phải kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, phòng ban có liên quan để nâng cao ý thức, nâng cao tin thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ của mình.
Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.
Đoàn Khang