Sau chuỗi tăng điểm kéo dài, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đối mặt với áp lực điều chỉnh mạnh trong 2 phiên giao dịch gần đây khi mất tổng cộng hơn 54 điểm, riêng phiên 8/6 VN-Index rớt 38,90 điểm (-2,86%) về 1.319,88 điểm.
Nguyên nhân do lực bán mạnh gia tăng về cuối phiên vì tâm lý lo sợ không thể bán được cổ phiếu trong khi công ty chứng khoán không cho sửa/hủy lệnh khiến nhiều nhà đầu tư đưa ra quyết định bán bằng lệnh MP (tức bán cổ phiếu bằng mọi giá).
Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định VN-Index giảm mạnh trong phiên thứ 2 liên tiếp với thanh khoản tiếp tục ở mức cao cho thấy áp lực bán ra trong phiên 8/6 là thực sự mạnh.
Tuy nhiên, nếu xét trên góc nhìn xu hướng thị trường dựa vào các đường trung bình thì chỉ số VN-Index vẫn đang nằm trên lần lượt các đường MA20 và MA50 cho thấy xu hướng hiện tại vẫn chưa có gì thay đổi và thị trường có khả năng hồi phục trở lại trong phiên 96 tới khi chỉ số đã khá sát hỗ trợ MA20.
Tuy nhiên, nếu xét trên góc nhìn sóng elliott thì bức tranh lại là tiêu cực hơn khi VN-Index có khả năng đã bước vào sóng điều chỉnh a sau khi sóng tăng 5 đạt đỉnh trong phiên đầu tuần 7/6. Theo đó, sẽ cần thêm thời gian để quan sát thị trường nhằm xác nhận xu hướng một cách chính xác hơn.
|
Phiên 9/6 sẽ diễn biến thế nào? |
SHS dự báo trong phiên giao dịch tiếp theo 9/6, thị trường có thể sẽ hồi phục trở lại nếu ngưỡng hỗ trợ kể trên được giữ vững. Những nhà đầu tư ngắn hạn đang có tỷ trọng tiền mặt cao có thể cân nhắc bắt đáy một phần danh mục trong phiên 9/6 tới nếu như VN-Index rơi về vùng hỗ trợ ngắn hạn trong khoảng 1.300-1.310 điểm (MA20).
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết sau nỗ lực hồi phục bất thành đầu phiên, VN-Index đảo chiều giảm điểm và lao dốc về cuối phiên 8/6.
Thêm 1 phiên phân phối mạnh khiến cho trạng thái thị trường trở nên tiêu cực hơn, để ngỏ khả năng tiếp tục phải trải qua áp lực điều chỉnh trong phiên kế tiếp. Mặc dù vậy, chỉ số nhiều khả năng sẽ xuất hiện nhịp hồi phục ngắn hạn sau đó khi nhận được lực đỡ tại vùng hỗ trợ quanh 1.300.
KBSV khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên tập trung cho các vị thế ngắn hạn và có thể mua trading 1 phần tỷ trọng khi điều chỉnh về lại hỗ trợ.
Còn theo đánh giá của Chứng khoán BSC, VN-Index có thể sẽ dao động giằng co trong khu vực 1.310-1.330 trong những phiên tiếp theo kể từ 9/6 khi đây là vùng hỗ trợ trong ngắn hạn của chỉ số.
Nhận định xa hơn trong tháng 6, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng tình trạng nghẽn lệnh như vậy sẽ xảy ra thường xuyên trong tháng 6 tới đây. Bên cạnh các điều kiện có thể ảnh hưởng đến TTCK tháng 6 kể trên, làn sóng Covid-19 thứ 4 cũng là yếu tố đáng chú ý.
VDSC đã sử dụng EPS TTM của Bloomberg và điều chỉnh mức tăng của EPS từ 0% đến 20% trong bối cảnh mà kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết trên sàn HOSE đã phục hồi mạnh mẽ trong quý 1/2021.
Tuy nhiên, sự trở lại của đợt dịch Covid-19 vào cuối tháng 5 đã làm giảm sự lạc quan về khả năng tăng trưởng EPS trên 20% trong năm 2021. Số liệu PE sử dụng là trung bình của ba năm gần nhất (gần 16,2x).
Theo đó, VDSC dự phóng VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.303 - 1.421 điểm.
VDSC dự kiến các cổ phiếu ngân hàng (VCB, TCB), nhóm thép (HPG) và nhóm chứng khoán sẽ là động lực dẫn dắt VN-Index, đồng thời giữ quan điểm thận trọng với một số cổ phiếu nhóm ngân hàng (STB, VPB) khi đã tăng rất mạnh và vượt qua giá mục tiêu.
Anh Nhi