T., chủ một doanh nghiệp lữ hành ở TP.HCM cho biết vừa quyết định bán đi một căn nhà mặt tiền 12 tỷ để lấy tiền trả lương cho hơn 100 nhân viên và duy trì 6 chi nhánh. Mới năm trước, công ty này còn được xếp vào danh sách doanh nghiệp du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
Quyết duy trì doanh nghiệp và lương nhân viên
"Dịch bệnh bùng phát, các đơn vị lữ hành chỉ có thể hoãn vé máy bay và hoãn sử dụng các dịch vụ đến cuối năm, chứ không thể lấy lại tiền cọc hay dời vé và dịch vụ qua năm sau. Vì vậy, khi hơn 90% tour không thành, phải trả lại phần lớn tiền cho khách, doanh nghiệp sẽ mất dòng tiền, cộng với việc đã đặt cọc cho các nhà cung cấp dịch vụ, khiến lượng tiền mặt càng khan hiếm", T. nói và cho biết doanh nghiệp du lịch thời điểm này càng nhiều chi nhánh, nhiều nhân viên thì càng âm nặng.
Tuy nhiên, nữ giám đốc này vẫn quyết định duy trì chính sách không để nhân viên phải nghỉ việc, dù chưa biết bao giờ mới là thời điểm phục hồi.
"Tôi giữ nhân viên lại để họ tiếp tục chăm sóc hợp đồng cho các đối tác, khách hàng cũ. Việc bán nhà lấy tiền trả lương nhân viên là cần thiết, nhưng tôi cũng chỉ biết hy vọng vậy", T. chia sẻ.
|
Các điểm du lịch vắng vẻ, khách hủy tour nhiều do e ngại về dịch Covid-19. Ảnh: Quang Ngọc. |
Nhiều doanh nghiệp cũng có chung suy nghĩ này. Họ cho rằng sự gắn kết, đồng lòng giữa nhân viên với công ty sẽ tạo đà phục hồi và tăng trưởng sau khi dịch Covid-19 qua đi. Do đó, các cấp lãnh đạo tình nguyện cắt giảm lương để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Trong thư gửi cán bộ nhân viên, Tổng giám đốc Jetstar Pacifc Nguyễn Thượng Hoàng Hải cho biết, từ tháng 3 đến tháng 5, ban giám đốc công ty tự nguyện giảm 40% lương; các phó tổng và kế toán trưởng giảm 30% lương chức danh.
Trong khi đó, tại Vietjet, ban giám đốc giảm 25% lương, phó giám đốc và trưởng phòng lần lượt giảm 20% và 10% lương. Mức lương cơ bản của phi công được đảm bảo gắn với giờ bay, tiếp viên được nghỉ một số ngày không nhận lương, nhưng những nhân viên có thu nhập dưới 10 triệu đồng hoặc ở vùng dịch không bị điều chỉnh lương.
Tại CGV Việt Nam, trong thời điểm đóng cửa toàn bộ 84 rạp chiếu phim tại 31 tỉnh, TP, hãng vẫn cố gắng xoay sở tài chính để đảm bảo phúc lợi và lương bổng cho gần 3.000 nhân viên làm việc toàn thời gian và bán thời gian.
Theo ông Khánh Nguyễn, đại diện truyền thông CGV Việt Nam, dù đã tạm dừng hoạt động nhưng hệ thống rạp vẫn cần người bảo trì và sẵn sàng khởi động lại khi được phép, đồng thời các dự án phim tương lai cũng đang trong giai đoạn "thai nghén".
"Việc có được nguồn thu khi đóng cửa rạp là rất khó khăn, và nếu đại dịch kéo dài, với những chi phí cố định rất lớn như thuê mặt bằng, nhân viên, bảo trì máy móc..., chắc chắn chúng tôi phải dựa vào sự hỗ trợ của Chính phủ để duy trì chính sách lương và phúc lợi cho nhân viên", ông chia sẻ.
Trong tháng 3 (tính đến ngày 25/3), tất cả hệ thống rạp trên cả nước bán ra 1 triệu lượt vé, tổng doanh thu đạt 76 tỷ đồng, bằng 20% cùng kỳ năm 2019 khi lượng vé bán ra đạt gần 5 triệu. Đến nay, cả nước đã đóng tất cả hơn 210 cụm rạp.
Cho doanh nghiệp vay không lãi để trả lương nhân viên
Trong cuộc họp ngày 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cơ quan quản lý nghiên cứu cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 0% để hỗ trợ trả lương cho người lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thực hiện.
Trước đó, Bộ LĐTB&XH đã có văn bản hướng dẫn trả lương cho người lao động phải dừng việc, nghỉ làm do dịch Covid-19. Trong đó, trường hợp người lao động phải tạm ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19, tiền lương trong thời gian này sẽ do người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - Phó giám đốc Ban tiếp thị Vietravel cho rằng, cũng như gói hỗ trợ tín dụng và tài khóa cho doanh nghiệp, các chính sách này cần sớm được áp dụng vào thực tiễn, bởi thời gian là yếu tố vô cùng quan trọng trong thời điểm này.
"Việc hỗ trợ cần có căn cứ cụ thể, các cơ quan nhà nước nên xây dựng tiêu chí tiếp nhận gói hỗ trợ để việc thực thi dễ dàng hơn. Đầu tiên cần xem xét quy mô doanh nghiệp và mức độ ảnh hưởng trong ngành để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, không nên quan niệm doanh nghiệp lớn đương nhiên được hưởng hỗ trợ. Mỗi doanh nghiệp phải có kế hoạch thuyết phục là mình xứng đáng", bà nhận định.
Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia về quản trị doanh nghiệp Đoàn Đình Hoàng cũng cho rằng việc trợ giúp cần công bằng: "Có doanh nghiệp đang chịu áp lực rất lớn, nhưng có doanh nghiệp chịu áp lực ít hơn, hoặc bình thường được hưởng ưu đãi nhiều, bây giờ dịch bệnh lại tiếp tục được ưu đãi là không được. Chính sách cần đi kèm tỷ lệ hỗ trợ phù hợp, công khai, với lộ trình khả thi".
Theo Lan Anh/Zing