CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) vừa công bố thông tin ông Nguyễn Bá Dương xin từ nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị Coteccons từ 2/10, đồng thời bổ nhiệm ông Bolat Duisenov vào vị trí này từ 5/10.
Nói về lý do, trong đơn từ nhiệm, ông Nguyễn Bá Dương cho biết vì lý do sức khoẻ và muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Quyết định này đặt dấu chấm hết cho 17 năm đương nhiệm của ông Dương với tư cách "kiến trúc sư trưởng" và linh hồn của Coteccons.
Trong hơn 17 năm lãnh đạo, ông Nguyễn Bá Dương đã cùng đội ngũ của mình đạt được nhiều dấu mốc quan trọng.
|
Ông Nguyễn Bá Dương. Ảnh: Vietnamnet |
Ông Nguyễn Bá Dương là người sáng lập, điều hành Coteccons những ngày đầu từ năm 2004, từ chức vụ Tổng Giám đốc và sau đó là Chủ tịch HĐQT Coteccons.
Dưới sự chèo lái của ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons từ một doanh nghiệp non trẻ đã nhanh chóng phát triển và bùng nổ, vượt mặt luôn cả những đàn anh để trở thành doanh nghiệp đứng đầu trong ngành xây dựng Việt Nam.
Hơn 17 năm qua, Coteccons hiện diện hầu khắp mọi dự án lớn kéo dài từ bắc đến nam.
Ở phía Bắc, các dự án tiêu biểu của Coteccons có thể kể đến như D'Capitale (4.800 tỷ đồng), Vinhomes Metropolis (3.000 tỷ đồng), The Manor Central Park (2.000 tỷ đồng), Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí Vân Đồn (1.100 tỷ đồng), The Sapphire Residence Hạ Long (1.200 tỷ đồng), Premier Village Hạ Long (1.100 tỷ đồng), Hilton Hạ Long (2.300 tỷ đồng), nhà máy sản xuất ô tô Vinfast (3.500 tỷ đồng), khách sạn Pullman Hải Phòng (1.600 tỷ đồng), Vinhomes Imperia (1.000 tỷ đồng), Vincom Bắc Ninh (1.200 tỷ đồng)…
Ở miền Trung, Coteccons là tổng thầu của nhiều dự án như Casino Nam Hội An (7.000 tỷ đồng), Khu liên hợp gang thép Dung Quất (1.800 tỷ đồng), Cụm dự án Time Square Đà Nẵng, A&B Central Square Nha Trang, Scenia Nha Trang (2.100 tỷ đồng)…
Ở phía Nam là các dự án Vinhome Central Park, Vinhome Grand Park, One Verandah (1.800 tỷ đồng), Hà Đô Centrosa Garden (1.200 tỷ đồng), Cụm dự án nhà xưởng công nghiệp Bình Dương và Tây Ninh (1.400 tỷ đồng), dự án Grandeur Palace (1.000 tỷ đồng)…
Đặc biệt, toà nhà Landmark 81 toạ lạc trong quần thể Vinhome Central Park (quận Bình Thạnh, TP.HCM) được xem là đỉnh cao về năng lực và sức mạnh của Coteccons.
Có thể nói giai đoạn hoàng kim của Coteccons là từ 2013 - 2017. Cụ thể, doanh thu Coteccons ghi nhận đà tăng trưởng nhanh, từ trên 4.000 tỷ đồng giai đoạn 2011-2012 lên tới hơn 27.000 tỷ đồng vào năm 2017, gấp 6 lần sau 5 năm.
Tăng trưởng doanh thu trung bình của Coteccons giai đoạn 2013-2017 cũng lên tới 45%/năm. Cùng với đó, tăng trưởng lợi nhuận bình quân năm giai đoạn này là 54%/năm. Trong đó, lợi nhuận đã tăng đột biến vào năm 2015-2016 với mức tăng gấp đôi mỗi năm.
Lợi nhuận của Coteccons đạt đỉnh vào năm 2017 khi mang về tới 1.653 tỷ đồng lãi ròng.
Trên thị trường chứng khoán, năm 2015 cũng khởi đầu giai đoạn hoàng kim của cổ phiếu CTD khi tăng một mạch từ vùng giá dưới 50.000 đồng/cổ phiếu lên trên 200.000 đồng. Có thời điểm, cổ phiếu này tăng gấp 4 lần trong chưa đầy 1 năm và lọt top những cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường.
Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của nhà thầu xây dựng Coteccons bắt đầu suy giảm từ năm 2018 khi doanh thu chỉ tăng 5% và lợi nhuận giảm 9%. Số liệu càng xấu hơn trong năm 2019 khi doanh thu sụt giảm 17% còn lợi nhuận giảm tới 53% về mức thấp nhất 5 năm.
Trong quý I/2020, dù biên lợi nhuận được cải thiện, nhưng lợi nhuận của Coteccons cũng đã giảm về mức thấp nhất 5 năm, dòng tiền kinh doanh âm thêm 427 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ.
Năm 2020 Coteccons đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 16.000 tỷ đồng, giảm 32,6% so với doanh thu thực hiện năm 2019. Chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất cũng giảm 15,5% xuống còn 600 tỷ đồng.
Cùng với kết quả kinh doanh đi xuống, cổ phiếu CTD của Coteccons đã sụt giảm mạnh từ mốc đỉnh 233.000 đồng/cổ phiếu (tháng 11/2017) xuống còn 67.000 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 5/10/2020.
Hoàng Minh