Sau kiểm toán, doanh thu thuần không thay đổi ở mức 288 tỷ đồng, nhưng do giá vốn hàng bán tăng nên lãi gộp của CEE tăng lên 13 tỷ từ mức 8 tỷ. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 14 tỷ từ 12 tỷ đồng.
Tuy vậy, khoản lỗ khác tăng vọt lên 7,7 tỷ đồng trong khi báo cáo tự lập chỉ chưa tới 2 tỷ đồng, khoản lỗ này tăng do sau soát xét phải ghi nhận thêm khoản chi phí xử lý công cụ dụng cụ không còn sử dụng gần 5,8 tỷ đồng.
Chính nguyên nhân trên khiến lãi ròng của CEE giảm đến 83% về còn 643 triệu đồng từ mức lãi 3,7 tỷ đồng của báo cáo tự lập.
Khoản lỗ tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế của CEE "bốc hơi" 82% chỉ còn 643 triệu đồng.
Năm 2020, Công ty đặt mục tiêu 1.363 tỷ đồng doanh thu, gần 84 tỷ đồng lãi sau thuế. Sau nửa năm, CEE mới chỉ thực hiện được 21% kế hoạch doanh thu và chưa thực hiện được 1% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, cổ đông CEE đã thông qua việc huỷ niêm yết HoSE tự nguyện và chuyển về giao dịch UPCoM. Lý do huỷ niêm yết là nhằm tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp.
Để giải quyết quyền lợi cho cổ đông khi huỷ niêm yết, CEE đã đưa ra hai phương án. Thứ nhất là CEE sẽ mua lại 2,15 triệu cổ phiếu từ cổ đông để làm cổ phiếu quỹ, số cổ phiếu quỹ sau khi mua lại là 4,15 triệu.
Phương án hai là CTCP Đầu tư Hạ tầng Kĩ thuật TP HCM (CII) (nắm giữ 71% vốn CEE) đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu tại CEE lên 72,95% trước khi huỷ niêm yết.
Anh Nhi