Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố văn bản của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC về việc nhận được các quyết định cưỡng chế thuế.
Trong khoảng thời gian từ ngày 29/3 đến 7/6, FLC nhận được 4 quyết định cưỡng chế thi thành thuế của các Chi cục Thuế TP Hạ Long, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, TP Thanh Hóa.
Cơ quan thuế tiến đã tiến hành cưỡng chế FLC bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Nhưng doanh nghiệp không công bố chi tiết số tiền bị cưỡng chế trong văn bản.
FLC cũng cho biết đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo các quyết định trên của cơ quan thuế. Trước đó, cuối tháng 3, FLC công bố 66 quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng từ năm 2015 đến nay.
|
Đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết bị cưỡng chế thuế. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tổng số tiền FLC bị cưỡng chế trong giai đoạn này hơn 160 tỷ đồng với nguyên nhân chủ yếu là có hành vi nợ tiền thuế, và nộp chậm tiền thuế quá 90 ngày kể từ khi hết thời hạn nộp theo quy định.
Đầu tháng 4, một doanh nghiệp liên quan ông Trịnh Văn Quyết là Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros cũng công bố thông tin nhận được 31 quyết định cưỡng chế thuế với số tiền 116,5 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết hiện là cổ đông lớn nhất ở cả FLC (21,2% cổ phần) và FLC Faros (67,3% cổ phần). Giá trị số cổ phiếu ở FLC và FLC Faros của ông Quyết hiện lên đến hơn 12.000 tỷ đồng. Ông cũng đồng thời là chủ tịch Hội đồng quản trị của cả hai công ty này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/6, giá cổ phiếu của FLC giao dịch ở vùng giá 4.410 đồng còn FLC Faros là 30.700 đồng.
|
Biến động giá và khối lượng giao dịch của cổ phiếu FLC từ đầu năm 2019. Ảnh: VnDirect. |
Theo Việt Đức/Zing