Theo quy chế Quản lý quy hoạch - Kiến trúc khu phố cổ Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định số 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013 của UBND TP Hà Nội) quy định, các công trình xây dựng thuộc các tuyến phố cổ mặt ngoài chỉ được phép xây dựng 3 tầng, mặt trong là 4 tầng, chiều cao tối đa 16m, mật độ xây dựng là 60% - 70%.
Tuy nhiên, phản ánh tới Báo Tri thức và Cuộc sống nhiều người dân sống ở khu vực phố cổ Hà Nội cho biết, hiện tại ở địa chỉ số 49 Bát Đàn (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) đang ngang nhiên tồn tại một công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng.
Theo người dân, trong quá trình xây dựng, sửa chữa công trình số 49 Bát Đàn không tuân thủ theo các quy định, xây dựng lên thành 4 tầng, 2 tum.
|
Công trình số 49 Bát Đàn đang gấp rút hoàn thiện. |
Ghi nhận của PV ngày 29/3 cho thấy, phản ánh của người dân về công trình 49 Bát Đàn có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng là hoàn toàn có cơ sở. Công trình này hiện đã vươn cao 4 tầng, 2 lửng, phần lửng xây tràn gần như biến thành 2 tầng và chưa có chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong khi đó, các công nhân làm việc bên trong vẫn nhanh chóng hoàn thiện công trình mà không gặp phải bất cứ sự can thiệp nào của lực lượng chức năng sở tại.
Hoạt động xây dựng tại công trình 49 Bát Đàn cũng không thực hiện các biện pháp che chắn kỹ càng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, đe dọa tính mạng người đi đường.
"Công trình này không biết có được ai chống lưng hay không mà ngang nhiên vi phạm, phá vỡ quy hoạch phố cổ như vậy?", một người dân đặt câu hỏi.
|
Phần lửng công trình số 49 Bát Đàn xây tràn như biến thành tầng. |
Để khách quan thông tin, sáng cùng ngày PV đã liên hệ với Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đông ông Lê Quang Huấn. Tuy nhiên, ông Huấn không phản hồi.
PV tiếp tục liên hệ với cán bộ Tổ Quản lý trật tự xây dựng đô thị phường Cửa Đông (thuộc Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thế nhưng, vị cán bộ này không thông tin.
PV đã phản ánh toàn bộ sự việc đến ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm. Đồng thời, kiến nghị ông Long chỉ đạo xử lý, dứt điểm sự việc.
Mới đây, Hà Nội đã tổ chức hội nghị công bố các đồ án quy hoạch phân khu đô thị: H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4, tỷ lệ 1/2000 tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Về tổng thể, quy hoạch gồm 6 đồ án phân khu đô thị nội đô lịch sử H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4; có quy mô nghiên cứu trên 2.700ha với yêu cầu chính là kiểm soát dân số, giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) xuống dự kiến còn 672.000 dân; đồng thời cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.
Theo đồ án, không gian nội đô lịch sử được xác định chủ yếu là công trình thấp tầng. Công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị. Với khu vực xây dựng công trình cao tầng, thành phố sẽ ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung các tiện ích như cây xanh, bãi đỗ xe. Tổng diện tích đất theo quy hoạch khoảng 2.709,75 ha. Quy mô dân số theo số liệu điều tra năm 2019 khoảng 887.000 người.
Theo quy hoạch, dân số tới năm 2030 và 2050 chỉ còn 672.000 người, tức sẽ giảm khoảng 215.000 dân. Với một số khu vực đặc thù, đồ án quy định kiến trúc cảnh quan, thiết kế riêng, trong đó có khu vực phố cổ, hồ Gươm và vùng phụ cận. Với khu phố cũ, nhà được phép xây từ 4 đến 6 tầng (16-22 m). Các khu vực hạn chế phát triển còn lại được xây nhà cao từ 5 đến 7 tầng (20-25 m).
Về vấn đề bảo tồn, khu phố cổ bảo tồn theo hình thái kiến trúc các tuyến phố hiện có; bảo tồn trục trung tâm thương mại kết hợp với nhà ở truyền thống; cải tạo lõi bên trong các ô phố... tạo lập hình ảnh kiến trúc đô thị cổ đặc trưng…
Chúng tôi tiếp tục thông tin.
Đoàn Khang