Thú chơi từ lâu đời và thanh lịch của người Hà Thành
Ngày xưa, hoa Thủy Tiên là thú chơi tao nhã của những nhà quyền quý bởi hoa thủy tiên rất đắt và phải biết cắt gọt, dưỡng, tạo dáng... mới ra được một bát hoa thủy tiên ưng ý.
Những năm gần đây thú chơi tự tay gọt củ, chăm sóc để có một bát hoa đẹp đúng độ Xuân về dần được gây dựng lại. Thay vì mua sẵn ngoài chợ hoa Tết, nhiều người đã mua củ thủy tiên về tự chuẩn bị cho mình một chậu hoa Tết với hy vọng may mắn cho năm mới.
Thuỷ tiên vào Việt Nam là loài hoa bắt nguồn từ Trung Quốc và Nhật Bản. Có nhiều truyền thuyết về hoa, có những ý nghĩa trái ngược nhau về hoa, bởi có thủy tiên trắng, thủy tiên vàng. Nhưng người ta tin rằng hoa thủy tiên mang lại tài lộc và thịnh vượng.
Lối chơi hoa thủy tiên có từ bao giờ, đến nay chưa có một tài liệu nào chứng thực, chỉ biết rằng với người Hà Nội, đây là thú chơi đã được hình thành từ rất lâu. Xưa kia, cứ mỗi độ năm hết, Tết đến, tại đền Bạch Mã vẫn thường có hội thi hoa, thưởng hoa. Theo truyền miệng của các cụ, vào đúng đêm giao thừa bát hoa của vị chủ nhân nào có một nụ nở hàm tiếu (nở hé ra) thì được cho là mọi sự tốt lành nhiều tài nhiều lộc sẽ đến với gia đình người đó trong năm tới.
Ông Nguyễn Hữu Ân (sinh năm 1937, ở phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) – một trong những người được coi là “cao thủ” về gọt hoa thủy tiên cho biết, thú chơi hoa thủy tiên đã có ở Hà Nội từ rất lâu, nhưng trước kia chỉ có nhà giàu, khá giả mới chơi hoa thủy tiên.
Theo quan niệm dân gian, hoa thủy tiên mang đến nguồn sinh khí an lành và tượng trưng cho sự may mắn. Ngoài ra, loài hoa này còn có thể chữa một số bệnh như kiết lỵ, quai bị, trẻ em bị co giật, mụn nhọt, côn trùng đốt… Chính vì thế mà nhiều người luôn tìm mua bằng được một bình thủy tiên đẹp mắt để bày lên bàn thờ gia tiên ngày Tết. Và nếu thủy tiên nở đúng thời khắc giao thừa thì năm đó, gia chủ sẽ gặp nhiều may mắn, bình an.
Khi hỏi về tiêu chí đánh giá một chậu thủy tiên đẹp, ông Ân cho biết, các cụ ngày xưa thường “chấm” theo các tiêu chí sau: Hoa phải mọc đủ 5 nhánh (gọi là 5 giò), đối diện với người xem, hoa phải hơi nghiêng nghiêng e lệ như thiếu nữ, chứ không cúi gằm xuống đất, hay ngửa hẳn lên trời; lá và hoa mọc cân đối; hoa khai cập thời; hoa tề hàm tiếu (các đóa hoa hé nở cùng lúc).
“Riêng các nhành hoa phải đạt tối thiểu thế thiên - địa - nhân, tức có 3 tầng hoa. Ngoài ra, khi đặt trong cốc thủy tinh, bộ rễ phải trắng muốt, mập mạp tựa thác nước. Một chậu hoa như vậy sẽ được gọi là “ngũ quý”, ngoài thị trường giá bán có thể lên tới tiền triệu, nhưng với chủ nhân của nó thì là vô giá”, ông Ân khẳng định.
Chăm thuỷ tiên như chăm con mọn
Nghe các bậc cao niên đam mê chơi hoa thủy tiên kể mới thấy, mỗi chậu hoa đúng là một tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn của người đã tạo ra nó. Từ lúc ngâm củ, nảy mầm, đâm rễ cho đến đơm hoa, mỗi củ phải trải qua ba bốn lần gọt tỉa, sửa sang rất cầu kỳ như chăm bẵm trẻ nhỏ.
Theo nghệ nhân Nguyễn Phú Cường ở tập thể Thành Công, Hà Nội - Một người chơi hoa thuỷ tiên có tiếng ở Hà Nội cho biết, để có được một bát thủy tiên đẹp trước hết phải có giống tốt, củ phải đạt từ 3 năm nằm trong lòng đất, củ mới đủ già để cho hoa, lá và rễ đẹp.
Nên chọn củ thủy tiên có lớp vỏ mỏng bọc ngoài màu cánh gián sẫm, xốp và cân đối. Nếu chọn phải củ non thì rễ, hoa, lá đều rất ít; hoa nở không căng và chóng tàn. Củ hoa mua về lúc còn khô, sau đó ngâm nước cho tươi lại, căng lên rồi lấy ra gọt tỉa, đây chính là việc khó khăn nhất, đòi hỏi người gọt tỉa ngoài sự khéo tay còn phải có tính kiên nhẫn, tỉ mỉ. Chỉ cần sơ ý một chút là củ thủy tiên sẽ hỏng, mất hết đẹp, nặng hơn là chột cả giò hoa.
Tiếp theo công đoạn bóc đất là chọn hướng của củ, củ thủy tiên thường mọc các nhánh hướng về một phía giống như bàn tay khum lại. Sau đó sẽ gọt phía bên trong cho các giò hoa lộ ra. Những giò nhỏ có hoa sẽ gọt cẩn thận, còn những giò không có hoa tùy theo ý thích để chơi lá hay tỉa bỏ. Khi những giò hoa lộ ra, lại phải cẩn thận xén lá để khi lá phát triển sẽ xoăn, xoắn, hướng từ đông sang tây hay thẳng đứng cũng là tùy vào “trình” và ý thích của người chơi.
Trông một củ hoa chỉ to hơn củ hành tây một ít nhưng người thực sự biết chơi phải gọt mất hàng tiếng đồng hồ mới xong. Muốn hoa không phát triển quá cao, ngay từ khâu bóc vỏ, người chơi cũng phải tác động bằng cách làm tổn thương cuống giò hoa để hạn chế hoa phát triển chiều cao.
Theo kinh nghiệm kỹ thuật, hoa thủy tiên sau khi đã gọt tỉa công phu củ thủy tiên khi đã gọt phải ngâm úp vào chậu nước sạch 2 ngày, cứ 8 tiếng lại lấy chổi lông rửa sạch nhớt cho củ khỏi nhiễm khuẩn và giữ màu trắng. Sau 2 ngày “tắm trắng” là đến công đoạn dưỡng trong bình 3 tuần cho đến khi nở hoa. Củ thủy tiên phải được nuôi trong nước sạch và phải thay nước hàng ngày, đặt trong điều kiện thời tiết mát mẻ, nếu lạnh phải “sưởi” bằng đèn, nóng phải làm mát bằng nước đá và tránh ánh nắng trực tiếp vào hoa.
Với kinh nghiệm hàng chục năm chơi thuỷ tiên, ông Lê Văn Hiệp (Nhật Tân, Tây Hồ) cho biết, nước để nuôi thủy tiên loại tốt nhất là nước mưa, nước giếng trong hoặc nước sạch. Hàng ngày “tắm rửa”, thay nước để hoa luôn được sống trong môi trường sạch, mới cho bông to, căng trắng muốt, lá mập mạp xanh rờn và hoa được bền lâu.
Sau từ 20 đến 25 ngày chăm, dưỡng kỳ công, người chơi sẽ thấy được “nàng tiên nước” của mình tranh nhau khoe sắc, tỏa hương trong ngày đầu xuân mới.
Sau mấy chục năm, hoa thủy tiên giờ đã trở lại nơi làng hoa, nơi chợ hoa và trong những căn nhà ngày tết. Mua hoa thì có, ngắm hoa thì có, yêu hoa thì có nhưng người biết chơi hoa giờ không có bao nhiêu.
Theo Báo Công Lý