Dịch vụ "Say tìm xế"
Theo Nghị định số 100/2019 áp dụng từ ngày 1/1/2020, khi tài xế điều khiển xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt nặng.
Trường hợp, người điều khiển xe mô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (vượt quá 0,4 mg/lít khí thở) sẽ bị phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000 - 600.000 đồng.
|
CSGT Hà Nội tiến hành kiểm tra đối với tài xế điều khiển xe máy có những biểu hiện nghi vấn sử dụng rượu bia. |
Điều đáng chú ý là 3 ngày sau khi Nghị định số 100/2019 áp dụng, rất nhiều diễn đàn mạng xã hội, nhóm facebook đã đưa ý kiến tranh luận về việc đi lại làm sao cho an toàn và không vi phạm pháp luật sau khi đã uống rượu bia. Một số người cho rằng nên gọi xe ôm hoặc taxi công nghệ để lái xe đón/đưa về nhà vì vừa đơn giản, chi phí lại rẻ.
Trước thông tin này, một nhóm facebook có tên "Say gọi xế - Xế nhận say" nhanh chóng được thành lập. Theo mô tả của nhóm, đây là mô hình kết nối tương tự như những nhóm tìm người giao hàng.
“Khách hàng cần thuê lái xe đưa đón lúc đi liên hoan, mang xe về nhà sau khi đi nhậu, xe đi sân bay, cho thuê xe đi tỉnh, đi du lịch vui lòng chọn tài xế theo danh sách và địa bàn bên dưới sau đó liên hệ với Admin để xác nhận thông tin chuyến đi và sắp xếp lịch trình cho tài xế”, anh Minh Đức, chủ nhóm thông tin.
|
Group "Say gọi xế - Xế nhận say" đang thu hút nhiều thành viên mạng tham gia. |
Để thông tin giữa các tài xế và khách hàng trao đổi thuận lợi hơn, nhóm "Say gọi xế" đã để chế độ nhóm công khai và liệt kê danh sách chi tiết về thông tin tài xế (tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, chứng minh thư nhân dân…).
“Thông tin kết nối giữa 2 bên sẽ được lưu lại trong group để xử lý nếu có phát sinh sự cố trong quá trình vận chuyển phương tiện và hành khách", anh Minh Đức, chủ nhóm nhấn mạnh.
Tuy nhiên, do nhóm "Say gọi xế" mới lập ra, nên lượng tài xế tham gia nhóm mới ở mức gần 900 người, các hoạt động cũng chưa được thống nhất rõ ràng. Mức phí cho dịch vụ đón và lái xe về cũng chưa được nhóm công khai.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài các nhóm “Say gọi xế” trên mạng xã hội, hiện nay, còn xuất hiện thêm dịch vụ đưa khách về nhà khi đã uống rượu bia được thực hiện bởi một số Công ty tư nhân. Mức phí dịch vụ đón khách và phương tiện về nhà sẽ giao động từ 300.000 đồng/lượt đối với xe máy, còn ô tô là 500.000 đồng/lượt.
Áo mũ xe ôm công nghệ "cháy" thế nào để né đo nồng độ cồn?
Trái ngược với việc tìm xế đưa về nhà sau khi uống rượu bia, một vài người lại lên mạng xã hội chia sẻ trạng thái “rủ rê” nhau mua áo mũ xe ôm công nghệ mặc nhằm né lực lượng chức năng đo nồng độ cồn.
“Các ngài đã sắm cho mình một bộ đồ Grab, Be, Go-Viet để đi nhậu xong mặc về chưa?” hay là “Mua đồ chạy Grab đi nhậu anh em ơi”, hoặc “Mặc áo Grab đi nhậu có khi lại hay”…, - những dòng trạng thái được chia sẻ.
Như để “ăn theo”, hiện nay, trên thị trường online cũng rầm rộ rao bán các bộ trang phục áo mũ xe ôm công nghệ với giá cả được niêm yết rõ ràng.
Khảo sát của PV cho thấy, một combo áo Grab, cùng với 1 mũ có kính Grab hiện nay được chào bán với mức giá từ 360.000 đồng/combo đến 420.000 đồng/combo. Nếu mua 1 áo thun Grab là 75.000 đồng, còn 1 áo khoác Grab là 175.000 đồng.
Đối với combo 1 áo khoác Go-Viet và 1 mũ Go-Viet được bán giá là 215.000 đồng. Nếu riêng 1 mũ Go-Viet thì 65.000 đồng…
|
Combo áo mũ Grab được bán online. |
|
Giá combo áo khoác và mũ Go - Viet được bán online với giá 215.000 đồng/combo. |
Tuy nhiên, đánh giá về thông tin này, phần lớn dư luận đều cho rằng cách mua áo mũ xe ôm công nghệ mặc nhằm né lực lượng chức năng đo nồng độ cồn chỉ mang tính chất lách luật và không nên thực hiện theo.
“Hãy đặt suy nghĩ “đã uống rượu bia thì không nên lái xe”. Thay vì nghĩ chiêu trò đối phó với lực lượng chức năng (tức mua áo mũ giả làm xe ôm công nghệ - PV), tại sao mỗi chúng ta không tự nâng cao hơn ý thức của mình, nghiêm chỉnh chấp hành Nghị định số 100. Như vậy, vừa an toàn cho chính bản thân cũng là để tránh gây tai nạn cho người khác”, anh Nguyễn Văn Báo (32 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ.
Chia sẻ với một số cơ quan truyền thông, đại diện một số hãng xe công nghệ cho biết, các hãng xe đều có quy trình tuyển chọn đối tác chặt chẽ và nghiêm túc. Đối tác phải có nhân thân rõ ràng, hồ sơ đầy đủ, đạt yêu cầu với bài kiểm tra về kiến thức, cùng với kỹ năng phục vụ khách hàng mới có thể tham gia hợp tác cùng các hãng gọi xe… Ngoài ra, đại diện hãng xe công nghệ cũng cho biết sẽ đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm tình trạng buôn bán đồng phục và giả mạo đồng phục của hãng.
Khánh Hoài (Tổng hợp)