Ngôi nhà mang kiến trúc bản địa ở làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) do kiến trúc sư Lại Thành Tín cùng cộng sự thực hiện. Ý tưởng của công trình này là dùng những cấu kiện gỗ vào không gian. Tone chủ đạo là màu nâu gỗ óc chó. Màu nâu óc chó là một màu rất sang, nó không vàng hoặc cam, không khó dùng như màu của đinh hương, gụ hay gõ đỏ.
Không gian nhà hình chữ T với hai khoảng sân trước và sau, kẹp giữa là khối nhà thờ + khách, tạo ra hai mặt tiền thông thoáng và xanh mát cho khối sinh hoạt chung.
Hai hàng hiên có cột gỗ và mái vươn ra hai bên. Không gian hiên đa năng này có thể là chỗ chuyện trò, chỗ để nhặt cọng rau, sơ chế đồ nấu nướng, để mẹ và bà chuyện trò.
Căn nhà này là món quà của cô con gái tặng bố nhân dịp bố được trao tặng bằng nghệ nhân nên các không gian triển lãm đồ gốm cũng được chú trọng. Một cách trưng bày những sản phẩm để đời rất tinh tế, thay vì lạm dụng đồ bày tràn lan trong nhà.
Anh cho biết: “Gu của người lớn tuổi ở các làng quê vẫn ưa thích gỗ thịt. Tuy nhiên, dùng gỗ thịt phải làm sao cho căn nhà thoáng, ấm cúng mà không bị nặng nề, bí bách, bởi gỗ là vấn đề cần chú trọng”.
Theo anh Tín, kiến trúc sư cần tính toán sao cho tỷ lệ tường và gỗ phải cân đối. Không nên ốp tường và trần, hay lạm dụng quá nhiều vách gỗ. Đồng thời, “chỉ sử dụng gỗ đúng vào cấu kiện chức năng, đừng dùng gỗ để ốp hay che phủ” là một kinh nghiệm để tạo ra một không gian thoáng đãng.
Nội thất được lấy cảm hứng từ kiến trúc cổ truyền bao gồm: Vách, cột và hiên. Tất cả được lược đi chi tiết rối rắm đục chạm, chỉ giữ lại cấu trúc. Mặc dù nhà diện tích lớn, nhưng không rối mắt và dễ vệ sinh.
Cửa gỗ xếp linh hoạt, tạo thành những khoảng thoáng đáng "đồng tiền bát gạo". Khi cần sự ấm cúng vào mùa đông, gia chủ kéo cửa lại, đây là dạng cửa truyền thống kết hợp kính hiện đại. Mùa hè, gia chủ mở rộng để gió mát lưu thông. Khi cần tổ chức giỗ, tiệc lớn đông khách, cánh cửa sẽ được mở để tạo thành khuôn viên tiệc.
Không gian quây quần của đại gia đình vào bữa ăn.