Có không ít người trong nhóm những người giàu nhất thế giới có khởi đầu "nghèo rớt mồng tơi". Họ không chỉ leo lên đứng đầu trong ngành mà một số còn lọt vào top những người giàu nhất thế giới và một trong số đó phải nhắc đến tỷ phú Jan Koum, người đồng sáng lập WhatsApp.
Jan Koum - đồng sáng lập ứng dụng nhắn tin miễn phí WhatsApp. Ảnh: Bloomberg
Tỷ phú này có một tuổi thơ khá vất vả, ông sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ bên ngoài Kiev, Ukraina. Gia đình Koum có ba người với mẹ làm nội trợ và bố làm quản lý xây dựng bệnh viện và trường học. Gia đình Jan Koum nghèo tới mức không có nước nóng để tắm và hãn hữu lắm mới sử dụng điện thoại.
Nhớ lại tuổi thơ khốn khó của mình, Jan Koum nói: "Bạn hãy thử tưởng tượng, giữa mùa đông lạnh giá ở Ukraine, nhiệt độ ngoài trời có thể xuống tới âm 20 độ C, vậy mà lũ trẻ như chúng tôi phải cuốc bộ tới bãi đỗ ô tô gần trường để sử dụng nhà tắm công cộng".
Năm 16 tuổi, Koum cùng mẹ nhập cư Mỹ với mong muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ ở trong một căn hộ nhỏ tại Mountain View, California và sống bằng nguồn phúc lợi cũng như sử dụng tem phiếu thực phẩm. Những ngày đầu ở Mỹ, Koum phải xếp hàng để được nhận suất ăn miễn phí. Để kiếm tiền, mẹ Koum phải đi trông trẻ thuê, còn Koum nhận việc quét dọn trong cửa hàng rau quả gần nhà.
Cha của Jan Koum dự định sẽ đoàn tụ với hai mẹ con khi họ ổn định hơn nhưng không may ông mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời 5 năm sau đó. Đáng buồn hơn, mẹ của Jan Koum không lâu sau cũng được chẩn đoán mắc ung thư và qua đời sau cha của ông 3 năm.
Tại trường trung học ở Mỹ, Koum không có nhiều bạn bè và bị xem là một học sinh cá biệt, khó tốt nghiệp. Koum tìm niềm vui trong chiếc máy tính cũ. Cậu tự học máy tính bằng cách mua sách hướng dẫn ở hiệu sách địa phương, đọc xong trả lại để có tiền mua cuốn mới. Dù vậy, Koum vẫn vào được trường đại học San Jose và bắt đầu làm việc cho công ty Ernst and Young ở vị trí kiểm tra an ninh ngay khi còn đi học.
Trong thời gian làm việc cho công ty này, năm 1997, ông có dịp gặp gỡ một nhân viên của Yahoo là Brian Acton. Sáu tháng sau, Acton đã giúp Koum trở thành nhân viên an ninh tại Yahoo. Ông có cơ hội tham gia vào một đội hacker đặc biệt chuyên tập trung vào vấn đề an ninh có mật danh là "w00w00".
Kể từ đó, người đàn ông gốc Ukraine làm việc cho Yahoo trong 9 năm và dần bước đến vị trí quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đến 2007, ông và Acton quyết định nghỉ việc, dành thời gian du lịch khắp Nam Mỹ để tìm kiếm những nguồn cảm hứng mới.
Khi trở về, hai người quyết định cùng nộp đơn ứng tuyển vào Facebook. Tuy nhiên, mong muốn của họ không thành hiện thực khi cả hai đều trượt.
Trong thời gian xả hơi, Koum suy nghĩ về những gì mà ông thật sự muốn làm. Người đàn ông này nảy ra ý tưởng làm một cái gì đó giúp mọi người cập nhật trạng thái qua điện thoại.
Đến 1/2009, khi mua một chiếc iPhone, Jan Koum nhận ra rằng kho ứng dụng App Store có thể mở ra cả một ngành công nghiệp ứng dụng. Ông cùng người bạn người Nga là Alex Fishman đã ngồi hàng giờ để nói về ý tưởng phát triển ứng dụng mới.
Đến tháng 4/2009, Jan Koum quyết định thành lập công ty WhatsApp Inc. - với ứng dụng nhắn tin miễn phí dành cho di động WhatsApp. Khi Fishman triển khai ứng dụng, chỉ có vài trăm người dùng tải về nó - chủ yếu là các bạn bè của Jan Koum tại Nga.
Năm 2017, WhatsApp có 1,3 tỷ người dùng hàng tháng. Ảnh minh họa
Thời gian đó, ứng dụng di động này gần như là duy nhất cho phép người dùng sử dụng số điện thoại của mình để nhắn tin miễn phí. Khác với Skype - cũng là một ứng dụng nhắn tin phổ biến trên mạng, WhatsApp không quản lý tài khoản bằng mật khẩu mà thực hiện bằng nhận dạng số điện thoại người dùng.
WhatsApp nhanh chóng thu hút hàng trăm nghìn người dùng tại Đông Âu và cả ở Mỹ. Brian Action gia nhập ban quản trị 9 tháng sau khi thành lập. Cả hai thu hút được 250.000 USD trong lần huy động vốn đầu tiên từ 5 người bạn ở công ty cũ.
WhatsApp nhanh chóng phát triển một cách tự nhiên mà không cần bất cứ chiến dịch tiếp thị hay PR nào, đặc biệt là ở các quốc gia kém phát triển - nơi người dùng rất tin tưởng vào các tin nhắn SMS.
Sự phát triển của WhatsApp khiến CEO của Facebook quan tâm. Tháng 2/2014, Zuckerberg mời Koum ăn tối và đề nghị mua lại WhatsApp với giá 19 tỷ đôla (trong đó có 4 tỷ tiền mặt, còn lại bằng cổ phiếu Facebook). Đêm trước khi ký giấy tờ, Koum thức khuya, làm nốt việc với đồng nghiệp. Trở về nhà lúc 2 giờ sáng, bánh xe của Koum nổ tung khi anh đang chạy 120km/h và Koum suýt chết.
Koum gia nhập hội đồng quản trị Facebook và nhận mức lương 1 đô la cùng với số cổ phiếu trị giá hàng tỉ đô. Koum tiếp tục đứng đầu nhóm WhatsApp với khoảng 100 nhân viên, làm trong văn phòng ở Mountain View, cách xa trụ sở chính của Facebook.
Cũng trong năm 2014, Koum lọt vào danh sách 400 người Mỹ giàu nhất của Forbes ở vị trí thứ 62, với tài sản ròng ước tính 7,5 tỷ USD, là người mới được xếp hạng cao nhất trong danh sách năm đó. Tính đến tháng 8/2020, tài sản ròng của ông ước tính là 10 tỷ đô USD.
Mặc dù ngày càng giàu có, Koum vẫn giữ cuộc sống mộc mạc nguyên bản như trước đó. Ông thừa nhận việc bán WhatsApp cho Facebook chỉ thay đổi 10% cuộc sống của mình. Vị doanh nhân nói vẫn sống trong căn nhà trước giờ và bạn bè vẫn không có gì thay đổi.
Một trong số rất ít những đam mê của Koum là tình yêu dành cho những chiếc Porsche. "Với tôi, một chiếc Porche luôn đại diện cho thành công. Và khao khát sở hữu một chiếc xe như thế là động lực lớn để học hỏi và làm việc chăm chỉ hơn" - ông tâm sự.
Theo GiadinhNet