Ông Hà Văn Thắm sinh ngày 11/12/1972 tại xã An Hà, huyện Lạng Giang, Bắc Giang. Cuộc đời ông bắt đầu phất lên từ khi gia nhập Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng (sau này là Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank). Hà Văn Thắm đã đưa nhà băng này phát triển thần tốc sau khi chuyển đổi mô hình từ ngân hàng nông thôn lên đô thị. Tuy nhiên, cũng chính ông Thắm bị cho là người đã gây hậu quả nghiêm trọng, "phá nát" OceanBank thành một "ngân hàng 0 đồng" để rồi phải trả giá sau vành móng ngựa.
Giữa 2010, thị trường chứng khoán xôn xao với một cái tên khá mới vừa xuất hiện: ông Hà Văn Thắm, chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group (OGC), một doanh nhân khá trẻ, chưa đến 40 tuổi.
|
Ông Hà Văn Thắm. Ảnh: Internet. |
Tập đoàn Đại Dương của ông Thắm được biết đến khi lên sàn với một bản cáo bạch rất hoành tráng. Đó là một tập đoàn kinh tế đa ngành, từ bất động sản, khách sạn, tài chính, truyền thông và thương mại thực phẩm... Chỉ một thời gian ngắn sau, Ocean Group trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán khi đó, với vốn hóa thị trường lên tới hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, bất động sản được xác định là mảng chiến lược với các dự án đầu tư lớn ở nhiều thành phố như: Hà Nội, TP HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Vinh, Quảng Ninh. Một số dự án nổi tiếng như: VNT Tower Nguyễn Trãi, StarCity Lê Văn Lương (Hà Nội)…
Theo VnExpres, dù ông Thắm chỉ trực tiếp đứng tên sở hữu 1,11% ở Tập đoàn Đại Dương nhưng tỷ lệ sở hữu gián tiếp qua các công ty con của ông lại khá lớn. Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo, mà ông Thắm là chủ sở hữu, nắm giữ 44,37% Ocean Group.
Lúc đó, ông Thắm sở hữu khối tài sản lớn bao gồm: Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC), Tài sản của doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo... Tài sản công khai của doanh nhân này trong năm 2012 và 2013 đều ở quanh mức 1.500 tỷ đồng.
Theo VietnamNet, ông Thắm còn trực tiếp và gián tiếp sở hữu nhiều doanh nghiệp như Ocean Hospitality (75%), Công ty TNHH VNT, Đại Dương Thăng Long, Ocean Media (50%),... và có thời điểm là thành viên HĐQT Vinamilk, VS Industry Việt Nam.
Trên thực tế, ông Hà Văn Thắm khởi nghiệp từ khá sớm, đầu những năm 90, với thành công ban đầu đến từ việc kinh doanh lốp xe ô tô và dầu ăn. Cú làm ăn mạnh tay đầu tiên là thương vụ thâu tóm Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng từ mức vốn hơn chục tỷ trở thành OceanBank với số vốn 4.000 tỷ đồng vào 2012.
Lên sàn, tăng vốn, làm ngân hàng, thâu tóm... là cách mà ông Hà Văn Thắm đưa tên tuổi của mình nổi như cồn, lọt vào tốp những người giàu nhất trên TTCK. Cú thâu tóm Kem Tràng Tiền hay “Khu đất vành khăn hơn 5ha” thuộc khu đô thị mới Đông Nam Trần Duy Hưng (Hà Nội)... là những lần mà tên tuổi “đại gia” này phủ kín mặt báo.
Chiến lược mua bán sáp nhập (M&A) đã đưa OGC thành một tập đoàn đa ngành hàng đầu, trong đó ông Thắm trực tiếp và gián tiếp nắm giữ khoảng 45%. Từ một doanh nghiệp có vốn 10 tỷ đồng, sau 6 năm thành lập tăng gấp 300 lần lên 3 ngàn tỷ đồng, giúp ông Thắm năm 2013 lọt top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Từ một nhà băng đang tiến nhanh trong khối ngân hàng cổ phần, OceanBank nhanh chóng xuống dốc vì những quyết định sai lầm của người thuyền trưởng Hà Văn Thắm. Trước khi ông này và nhiều đồng sự vướng vòng lao lý, có lúc nợ xấu của OceanBank chiếm 50% tổng dư nợ. Khi Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng, vốn chủ sở hữu của nhà băng này được kiểm toán thông báo đã âm hơn 10.000 tỷ đồng.
Đầu tháng 10/2016, đại gia Hà Văn Thắm cùng nhiều đồng phạm bị đề nghị truy tố về nhiều tội, trong đó có vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, sau 2 năm bị khởi tố và bắt tạm giam.
Theo xác định của cơ quan điều tra, các quyết định của Hà Văn Thắm đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, "phá nát" OceanBank trong giai đoạn trước năm 2014. Ông Hà Văn Thắm bị truy tố 3 tội danh với tổng khung hình phạt lên tới 30 năm tù. Việc xét xử sơ thẩm được bắt đầu từ ngày 27/2/2017.
Các tội danh mà ông Hà Văn Thắm bị truy tố như sau:
Thứ nhất là tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng. Câu kết với Phạm Công Danh - khi đó vừa mua lại TrustBank (tiền thân của Ngân hàng Xây dựng) vay 500 tỷ đồng thông qua Công ty Trung Dung mà không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo... Phạm Công Danh sau đó lại dùng số tiền này để thanh toán 5 hợp đồng tín dụng mua cổ phần của nhóm bà Hứa Thị Phấn (cổ đông lớn của TrustBank) và nay không có khả năng thu hồi.
Thứ 2 là tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng khi chỉ đạo cấp dưới chi trả 1.576 tỷ đồng lãi tiền gửi vượt trần cho khách hàng.
Thứ 3 là tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Cuối năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PetroVietnam ký thỏa thuận với OceanBank để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược. Lúc này, ông Nguyễn Xuân Sơn giữ chức Tổng giám đốc OceanBank đã đề nghị chi thêm khoản "chăm sóc khách hàng" ngoài lãi tiền gửi để huy động vốn từ PetroVietnam. Ông Thắm qua Công ty cổ phần BSC Việt Nam của mình ký hợp đồng làm dịch vụ với người vay vốn, nhằm thu phí. Theo cáo buộc, việc sử dụng công ty BSC ký hơn 720 hợp đồng dịch vụ khống và một số hợp đồng khác được gần 70 tỷ đồng. Toàn bố khoản tiền này được đưa cho ông Sơn để "chăm sóc khách hàng" khiến OceanBank thiệt hại.
Đông Nhiên (Tổng hợp)