Hôm qua (ngày 28/2), cổ phiếu VJC của Công ty cổ phần hàng không Vietjet (Vietjet Air) chính thức góp mặt trên bảng điện tử sàn TP HCM (HOSE). Đây được xem là cổ phiếu của ngành hàng không đầu tiên được giao dịch trên thị trường niêm yết. Trước đó, có một cổ phiếu của ngành hàng không đó là HVN của Vietnam Airlines lên sàn UPCoM.
Kết thúc ngày giao dịch đầu tiên (28/2), cổ phiếu VJC đã tăng trần, từ mức giá chào sàn 90.000 đồng lên 108.000 đồng.
Sang phiên giao dịch hôm nay (ngày 1/3), chốt phiên buổi sáng lúc 11h30, cổ phiếu Vietjet Air tiếp tục tăng trần, từ mức giá 108.000 đồng lên 115.500 đồng (tương đương mức tăng 6,9%).
Trong phiên buổi sáng, số lượng cổ phiếu VJC được khớp lệnh thành công lên tới 97.100 đơn vị cổ phiếu, cao hơn gấp 8 lần so với số lượng cổ phiếu giao dịch thành công phiên đầu tiên hôm qua (12.030 đơn vị cổ phiếu).
Nhiều người cho rằng, kịch bản cổ phiếu bia SAB (Tổng công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn – Sabeco) khả năng cao có thể được lặp lại ở cổ phiếu hàng không như VJC. Thị trường chung 2 ngày hôm nay khá sôi động và hoạt động đầu cơ nóng trở lại cũng tạo nên bối cảnh thuận lợi cho VJC. Tuy nhiên, cổ phiếu VJC không ảnh hưởng nhiều lên VN-Index được như SAB - kể cả VJC tăng trần một hai phiên nữa thì vốn hóa vẫn chưa lọt vào được Top10. Song lực đầu cơ mạnh cho thấy dòng tiền rất khỏe.
Công ty Cổ phần Hàng không VietJet được cấp phép hoạt động năm 2007 trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam được cấp phép hoạt động trên các đường bay trong nước và quốc tế. Công ty đã phát triển thành hãng hàng không chi phí thấp lớn nhất và hãng hàng không lớn thứ 2 tại Việt Nam tính theo thị phần, tương đương khỏang 41% so với 42% của Vietnam Airlines trong năm 2016.
Với số vốn điều lệ ban đầu là 600 tỷ đồng, đến nay vốn điều lệ của công ty đạt 3.000 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2016, Tổng tài sản của VietJet đạt 19.916 tỷ đồng, doanh thu thuần đạt 27.532 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.290 tỷ đồng. Sau quá trình thẩm định, ngày 6/2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM đã ban hành quyết định về việc niêm yết cổ phiếu VJC với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 90.000 đồng/cổ phiếu và biên độ dao động giá là +/- 20%.
Theo bản cáo bạch, Vietjet đặt kế hoạch trong 3 năm tới sẽ tăng doanh thu lên gấp đôi, đạt gần 57.000 tỷ đồng vào năm 2019 với lợi nhuận sau thuế gần 5.000 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến đạt 50% trong 3 năm tới, tối thiểu 30% bằng tiền mặt.
Dù mới lên sàn hôm qua song một số công ty chứng khoán đã có bản phân tích, đánh giá về cổ phiếu VJC của Vietjet Air. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VJC theo đuổi mô hình kinh doanh hàng không giá rẻ có ưu thế vượt trội hơn mô hình hàng không truyền thống trong điều kiện tiếp cận thị trường hàng không nội địa của Việt Nam. Mô hình này sẽ được phát triển rộng rãi với nhu cầu di chuyển nội địa không ngừng tăng trưởng nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh và ngành du lịch đang trên đà tăng trưởng.
Trên cơ sở đó, BVSC đưa ra mức giá kỳ vọng đối với cổ phiếu VJC là 143.400 đồng/cổ phần, cao hơn 29% so với giá chào sàn của cổ phiếu này. Tại mức giá này, P/E (hệ số gía trên thu nhập) của VJC là 12,48 lần, là mức tương đương so với P/E bình quần của các hãng hàng không giá rẻ trên thế giới.
Minh Hiếu