Trong lúc thị trường gặp khó khăn, SHB bất ngờ khớp lệnh hơn 10 triệu cổ phiếu chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút (11h28) và điều này giúp SHB tăng trần lên 19.500 đồng/cp từ mức giá 17.100 đồng/cp chỉ 1 phút trước.
Trong suốt phiên chiều, cổ phiếu SHB vẫn giao dịch khá tích cực trong giá xanh và tím, với tổng khối lượng giao dịch lên đến hơn 75 triệu cổ phiếu trước khi bước vào phiên ATC, đây cũng là khối lượng khớp lệnh kỷ lục của cổ phiếu này.
Vậy điều gì đang xảy ra với cổ phiếu SHB? Phải chăng có một nhóm nhà đầu tư đang muốn tham gia vào việc sở hữu ngân hàng này hay do giá cả cổ phiếu được kỳ vọng tăng giá cao hơn nữa.
|
Diễn biến nhảy giá quá gấp của cổ phiếu SHB! |
Theo thống kê, cổ phiếu SHB là mã tăng mạnh nhất ngành ngân hàng trong năm 2020, khởi đầu năm với mức giá 5.350 đồng/cp nhưng đến cuối năm, cổ phiếu này đã tăng lên 17.000 đồng/cp, tương ứng mức tỷ suất sinh lời gần 218%. Hiện, SHB đã kịp thời ghi nhận cho mình thêm gần 15% giá trị nữa lên 19.500 đồng/cp.
Hiện Tập đoàn T&T của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) đang là cổ đông lớn nhất của SHB với gần 120 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 9,97% vốn, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) sở hữu vừa hạ sở hữu về 1,48% vốn.
Bản thân Chủ tịch Đỗ Quang Hiển nắm giữ 33 triệu cổ phiếu SHB - tương ứng tỷ lệ 2,74% và hai người chị của bầu Hiển là Đỗ Thị Thu Hà nắm 2,05%, bà Đỗ Thị Minh Nguyệt nắm giữ 0,7% vốn SHB, tổng cộng 33,2 triệu cp.
Hồi cuối tháng 1 đầu tháng 2/2020, con trai thứ của ông Đỗ Quang Hiển là Đỗ Vinh Quang đã gây hoang mang giới tài chính khi chính thức chi tới hàng trăm tỷ đồng để mua thành công 35,9 triệu cp SHB ngay vùng đáy (6.000-6.500 đồng/cp), nâng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng lên mức 2,98% vốn.
|
Ông Đỗ Quang Hiển - Bầu Hiển. |
Sắp tới đây, SHB dự kiến sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5% bằng cổ phiếu, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020.
Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức gần 21.300 tỷ đồng (tương đương tăng 21% so với vốn điều lệ hiện tại).
Việc tăng vốn điều lệ nằm trong lộ trình phát triển của SHB nhằm mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, nâng cao tỷ lệ an toàn theo chuẩn Basel II và hướng tới tuân thủ Basel III.
Trong một báo cáo đánh giá về SHB, SSI ước tính năm nay SHB đạt 5.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 70% so với cùng kỳ), sát với kế hoạch của ngân hàng. Mức tăng trưởng này dựa trên ước tính tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động hấp dẫn (tăng 20%) và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm (giảm 14%)
Do trái phiếu VAMC và tài sản có vấn đề giảm đáng kể (chỉ còn 11,8% vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2020), SSI khấu trừ trực tiếp các khoản này trong vốn chủ sở hữu của SHB, BVPS năm 2021 điều chỉnh còn 14.351 đồng/cổ phiếu.
Qua đó, SSI nâng giá mục tiêu 1 năm lên 20.100 đồng/cổ phiếu (từ 18.500 đồng/cổ phiếu), dựa trên hệ số P/B mục tiêu là 1,4x – mức hợp lý với ROE 2021 ước tính là 17%. Với triển vọng tăng giá là 7%, công ty chứng khoán duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu SHB.
Anh Nhi