Nguyên nhân do CTCP An Trường An tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Cổ phiếu ATG vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 25/12/2019 do công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
ATG lên sàn chứng khoán tháng 8/2016, tính đến kết phiên 7/10, cổ phiếu này đang giao dịch tại mức 670 đồng/cp, tương ứng giảm gần 94% so với hồi mới niêm yết.
Ngân hàng 'siết nợ' ATG
Đáng quan ngại hơn, ngày 21/9 vừa qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHB) đã thông báo đến CTCP An Trường An về khoản vay đã quá hạn và chuyển sang nợ xấu.
Theo SHB, mặc dù Ngân hàng đã nhiều lần hỗ trợ, tạo điều kiện để Công ty thanh toán và thực hiện nghĩa vụ trả nợ, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại ATG vẫn không thực hiện đúng cam kết trả nợ.
Do đó, SHB sẽ thu giữ 5 tài sản đảm bảo của Công ty để xử lý thu hồi nợ vay sau 15 ngày đưa ra thông báo, trong đó có bất động sản hiện đang là trụ sở chính của Công ty – 347 Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn, Bình Định. Các tài sản đảm bảo này thuộc sở hữu cá nhân của ông Trương Đình Xuân (Chủ tịch HĐQT) và bà Trần Thị Mai Xuân (Tổng Giám đốc) đem thế chấp tại Ngân hàng.
Theo giải trình của ATG, do Chủ tịch HĐQT hiện đang điều trị bệnh nên dẫn đến việc chậm trễ công bố thông tin này.
Đồng thời ATG cho biết nguyên nhân của việc chậm thanh toán khoản nợ vay của ngân hàng SHB là do tình hình dịch bệnh nên Công ty chưa thu hồi được các khoản đầu tư vào các dự án có thời gian kéo dài và các khoản công nợ khó đòi nên dẫn đến thiếu hụt nguồn tiền để chi trả các khoản vay đến hạn.
Trong thời gian còn lại của năm 2020, Công ty vẫn đang đẩy mạnh việc thu hồi các khoản đầu tư và nợ khó đòi để giải quyết các khó khăn về tài chính.
ATG cho biết, khoản vay tại ngân hàng SHB được sử dụng để đầu tư cho dự án khu du lịch Thủy Sơn Trang (nêu trong thuyết minh các báo cáo tài chính). Tuy nhiên do vướng mắc về vấn đề giải tỏa nên đến nay dự án không thể tiếp tục. Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2019 đã thống nhất việc ngưng đầu tư và thu hồi các khoản tiền đã đầu tư và dự án này, nguồn tiền thu hồi được sẽ dùng để trả nợ vay của SHB.
Về tình hình kinh doanh của ATG, nửa đầu năm 2020, Công ty không có doanh thu trong khi phải chịu chi phí lãi vay hơn 1 tỷ đồng và gần 67 triệu đồng chi phí quản lý doanh nghiệp. Vì vậy Công ty lỗ ròng hơn 1 tỷ đồng, còn nửa đầu năm 2019 lỗ gần 17 tỷ đồng khi không có doanh thu nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lên đến hơn 16 tỷ đồng và chi phí lãi vay hơn nửa tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, mặc dù không đưa ra ý kiến ngoại trừ, nhưng kiểm toán vẫn lưu ý về hoạt động liên tục của Công ty trong 12 tháng. Theo đó, Công ty tiếp tục bị lỗ hơn 1 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020 và lỗ lũy kế đến ngày 30/06/2020 hơn 24 tỷ đồng. Tại ngày kết thúc kỳ kế toán, các khoản nợ ngắn hạn của Công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 32 tỷ đồng và trong nửa đầu năm nay không phát sinh doanh thu.
Cụ thể, tại ngày 30/06/2020, Công ty có hơn 10 tỷ đồng nợ vay quá hạn chưa thanh toán, gấp 2.4 lần con số hồi đầu năm. Trong đó, nợ quá hạn tại Ngân hàng SHB là 9 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm. Bên cạnh đó, ATG còn vay nợ ông Nguyễn Văn Trọng 1.2 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm bằng hình thức đảm bảo là 1 triệu cp ATG.
Đối với khoản vay tại SHB, nợ gốc là 3 tỷ đồng với thời hạn 1 năm, lãi suất 9.7%-10.44%/năm. Hình thức đảm bảo là dự án xây dựng du lịch số 4 tuyến Quy Nhơn – Sông Cầu, và quyền sử dụng đất của bên thứ 3.
Minh An