|
Ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình (Nguồn: Internet) |
Nhưng ông Đường "bia" giờ không chỉ có làm bia. Đế chế kinh doanh của vị đại gia sinh năm 1954 này là một tổ hợp đa ngành đồ sộ, với hàng chục công ty thành viên, tổng tài sản của hệ thống đạt tới hàng chục nghìn tỷ đồng, tạo ra tổng lợi nhuận lên tới cả nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Từ bia, nguyên liệu bia, đồ uống, ông Đường "bia" mở rộng cơ nghiệp sang cả bất động sản, bán lẻ, sản xuất thép,...
Những công trình dát vàng “độc nhất vô nhị”
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình Nguyễn Hữu Đường được biết đến như người đầu tiên thành lập công ty tư nhân sản xuất bia tại Hà Nội. Sau này, lấn sân sang lĩnh vực địa ốc, vị đại gia đi lên từ nghề đạp xích lô này lại gây chú ý với những công trình dát vàng đầu tiên và độc nhất vô nhị trên thị trường.
Thành lập năm 1993, Công ty TNHH Hòa Bình (Hòa Bình) đăng ký trụ sở chính tại số 84 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, có ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.
Một trong những dự án mang tính biểu tượng của Hòa Bình là tòa Tháp quốc tế Hòa Bình. Dự án này được xây dựng từ năm 2004 – 2006 trên khu đất rộng 1.952 m2 tại số 106 Hoàng Quốc Việt, tổng mức đầu tư 26,1 triệu USD.
Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam có thang máy được dát vàng, và là địa điểm quen thuộc của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đặt văn phòng đại diện như Nippon, Systra, Liberty, Nissan, KFC.
Tuy nhiên, với mục tiêu phát triển tập đoàn đa ngành, đại gia Đường “bia” đã đem khối tài sản này bán ra thị trường với mức giá khởi điểm 705 tỷ đồng. Qua nhiều cuộc tranh đua trả giá của nhiều công ty địa ốc, mức giá chốt cuối cùng cho Tòa tháp quốc tế Hòa Bình là 735 tỷ đồng.
|
Một công trình dát vàng mang thương hiệu Đường "bia". (Ảnh: Internet) |
Một dự án mang tính biểu tượng khác của Hòa Bình là Khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng – được khởi công từ tháng 3/2016 với quy mô hơn 1.000 căn hộ và phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, chống được động đất cấp 8 với tổng diện tích 12.500 m2.
Đặc biêt, dự án này sở hữu bể bơi vô cực dát vàng được xây dựng trên nóc tòa nhà cao 29 tầng, cùng với đó là các thiết bị vệ sinh làm từ kim loại cũng đều được dát vàng 24K.
Công ty của đại gia Đường "bia" còn triển khai nhiều công trình quy mô khác như dự án Nhà máy Đường Man (Bắc Ninh); dự án Khách sạn Hòa Bình Palace (Hà Nội); dự án Hoa Binh Green Apartment (Hà Nội), dự án Hòa Bình Green City Hà Nội.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, Hòa Bình vẫn liên tục tăng trưởng về cả quy mô tài sản cũng như doanh thu và lợi nhuận hàng năm.
Năm 2019, doanh thu thuần của Hòa Bình đạt 1.726 tỷ đồng, lãi thuần ở mức 322,7 tỷ đồng. Tương ứng, biên lợi nhuận theo doanh thu (ros) đạt mức ấn tượng, xấp xỉ 19%. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Hòa Bình đạt 9.072 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 953,1 tỷ đồng.
Cơ ngơi ngoài địa ốc của ông Đường "bia"
Trước khi tham gia vào thị trường bất động sản, đại gia Đường “bia” đã gặt hái nhiều thành công với CTCP Đường Man (Đường Man) – doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á sản xuất Malt – nguyên liệu chính để sản xuất bia.
Bên cạnh đó, ông còn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất nước ngọt mang tên V-Cola tại Bắc Ninh, nhằm cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm quốc tế vốn đang phổ biến tại Việt Nam như Coca-Cola, Pepsi.
Trong 4 năm trở lại đây, doanh thu của Đường Man luôn đạt trên nghìn tỷ đồng mỗi năm, cùng đó là mức lãi thuần từ vài tỷ cho đến vài chục tỷ đồng.
Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Đường Man lần lượt đạt 1.115,8 tỷ đồng và 1.150 tỷ đồng, lãi thuần lần lượt chỉ là 3,8 tỷ và 10,7 tỷ đồng.
Năm 2019, doanh thu thuần của Đường Man đạt 1.458,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước; lãi thuần đạt 17 tỷ đồng, chưa bằng 1 nửa năm 2018 (38,6 tỷ đồng).
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Đường Man đạt 1.477,2 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2016; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên mức 309,6 tỷ đồng.
Ngoài làm bia, malt và nước ngọt, đầu năm 2008, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường còn tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thép không gỉ với CTCP Xây dựng và Sản xuất Thép Hòa Bình (Thép Hòa Bình).
Theo đó, vị doanh nhân cựu chiến binh này đã đầu tư 1.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy cán thép không gỉ khổ rộng 1,4 m tại Hưng Yên. Tháng 7/2013, nhà máy chính thức đi vào hoạt động và sản phẩm Thép Hòa Bình đã chiếm khoảng 30 - 40% thị phần trong nước.
Cập nhật đến giữa năm 2017, Thép Hòa Bình có vốn điều lệ 230 tỷ đồng, trong đó Hòa Bình trực tiếp nắm giữ 85% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại do Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Hòa Bình (nắm giữ 5% VĐL) và ông Nguyễn Anh Tuấn (nắm giữ 10% VĐL).
Đến cuối tháng 8/2017, 2 cổ đông pháp nhân của Thép Hòa Bình đã thoái vốn, cơ cấu cổ đông thời điểm này chỉ công bố cá nhân Nguyễn Anh Tuấn nắm giữ 4,5% vốn điều lệ. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện do ông Thái Tiến Vượng (SN 1953) đảm nhiệm.
Trong 4 năm trở lại đây, Thép Hòa Bình đều báo lỗ từ 1 - 2 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2019, doanh thu thuần của Thép Hòa Bình đạt 444,83 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với năm 2018; lỗ thuần gần 1 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lỗ thuần 3,3 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Thép Hòa Bình đạt 714,5 tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu giảm nhẹ xuống còn 228,2 tỷ đồng.
Ngoài các doanh nghiệp kể trên, “hệ sinh thái” Tập đoàn Hòa Bình của đại gia Đường “bia” còn một số thành viên khác như CTCP Bia và nước giải khát Hòa Bình, Công ty TNHH In ấn và sản xuất bao bì Thuận Phát, CTCP Quốc tế Inox Hòa Bình, CTCP Phát triển Thương mại Hòa Bình, CTCP Trung tâm Thương mại V+ Hòa Bình, Công ty Liên doanh Rượu Việt – Pháp.
Gian khó xây dựng cơ nghiệp, đổ mồ hôi sôi nước mắt để vươn lên giàu có. Nhưng đại gia Đường “bia” là một người hào sảng và giàu lòng nhân ái.