Khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, Cathy Linh Che chuyển sang nấu các món Việt Nam để thoải mái hơn.
Cô dễ dàng tìm được mọi nguyên liệu cần thiết ở phố người Hoa Manhattan (New York). Tuy nhiên, Che phải ngồi tàu điện ngầm hơn 1 tiếng đồng hồ mới tới được đây, theo New York Times.
Vì thế, khi biết thông tin về căn hộ đang cho thuê ở khu Two Bridges gần đó, nữ quản lý nghệ thuật lập tức chuyển nhà. Nơi ở mới có hai phòng ngủ hiện đại, sàn lát đá chỉ có giá khoảng 1.700 USD mỗi tháng.
Với Che, đây là món hời khó tin. Cô càng phấn khích hơn khi đơn vị môi giới bất động sản đảm bảo giá thuê ở đây chỉ tăng khoảng 8% trong tương lai.
Tuy nhiên, niềm vui của Cathy Linh Che không kéo dài lâu. Tháng 5 vừa rồi, chủ nhà thông báo phí thuê nhà phải tăng 65%. Tổng thu nhập hiện tại không cho phép Che chi 2.800 USD cho khoản này.
|
Cathy Linh Che vội vàng tìm nơi ở mới khi căn hộ đang ở tăng giá 65%. Ảnh: Clark Hodgin/The New York Times.
|
“Tôi cảm thấy tức giận và nhận ra mình đã phạm sai lầm. Để đủ sức trang trải phí thuê, tôi bắt đầu nghĩ đến việc từ bỏ một số nhu cầu cá nhân. Tôi buộc phải tìm căn hộ mới và vượt qua được chuyện này", Che nói.
Ngay sau đó, nhờ bạn bè giúp đỡ, cô dọn đến nơi ở khác trong cùng khu vực cũng với 1.700 USD, được cam kết giữ nguyên mức giá. Dù nội thất trong nhà không phải loại cao cấp, Che vẫn hài lòng khi có hàng xóm thân thiện, trách nhiệm.
Chỉ trong quý 2 năm 2022, gần 14.000 căn hộ ở Manhattan bị bỏ trống vì người thuê cũ “tháo chạy” hàng loạt. Không ai đủ sức chi trả được mức giá gia hạn hợp đồng tăng quá cao.
Giá thuê cao kỷ lục
Theo Kenny Lee, nhà kinh tế học thuộc đơn vị bất động sản StreetEasy, đây được xem là tác động từ việc quá nhiều dân cư New York di cư cùng lúc trong đại dịch.
Khi dịch bệnh mới bùng phát, những người thuê nhà đã đổ xô đến các thành phố hạng trung, như Boise (bang Idaho), Mont (bang Alabama). Những căn hộ đắt đỏ, chật chội tại khu đô thị trung tâm gồm New York, Washington D.C hay San Francisco đã không còn sức hút.
Các chủ nhà ở đây phải giảm giá lôi kéo khách hàng. Vào giữa năm 2021, giao dịch giá ưu đãi trong dịch Covid-19 biến mất. Những hợp đồng gia hạn hoặc thuê mới quay lại mức giá cao ngất ngưởng.
|
Giá thuê nhà tăng vọt khiến cư dân New York lao đao. Ảnh: freepik.
|
"Các chủ nhà đang tìm mọi cách để bù lại phần thu nhập bị mất trước đó. Tiền thuê căn hộ năm 2020 và 2021 đã tăng gấp bốn lần so với giai đoạn 2018-2019”, ông nói thêm.
New York vốn nổi tiếng là thành phố đắt đỏ, nhưng giá cả như hiện tại là điều không ai ngờ. Từ tháng 4/2022, giá thuê trung bình khu Manhattan đã đạt mốc kỷ lục là 4.100 USD. Nhà ở khu Queens rơi vào khoảng 2.600 USD, tăng 13% so với đầu năm. Tiền thuê nơi ở tại Brooklyn cũng không ngoại lệ khi tăng 12%, thành 3.200 USD.
100 người thuê nhà tham gia khảo sát với New York Times đều cho rằng đã từ bỏ cuộc sống ở thành phố này vì chi phí nhà cửa tăng cao. Nhiều người shock khi căn hộ đắt đỏ hơn, trong khi đã được cam kết ổn định giá.
Số khác đổ xô đi tìm thêm việc, bạn cùng phòng hoặc nơi ở khác nếu thấy khó khăn trong việc thương lượng giá. Một nhóm nhỏ chọn rời New York, chuyển về sống cùng gia đình để tiết kiệm.
Chật vật xoay xở
Đáng tiếc, không phải ai cũng may mắn tìm được căn hộ mới ưng ý như Cathy Linh Che.
Tháng 10/2022, Caroline Lewis và người bạn cùng phòng từ bỏ nơi ở cũ, chuyển vào căn hộ ba phòng ngủ ở nhìn ra Công viên Quảng trường Tompkins “vì đột nhiên có giá tốt”.
“Tôi chỉ cần tốn 3.300 USD mỗi tháng đã được ở nơi ưng ý, lại có sẵn máy rửa bát. Lúc đó, tôi thấy đây thực sự là món hời khó bỏ lỡ”, cô gái 25 tuổi cho biết.
Tuy nhiên, chỉ trong 1 năm, chủ nhà đã tăng giá thuê lên 42%. Đôi bạn quyết định tìm thêm người ở chung để giảm gánh nặng tiền nhà. Nhưng điều Lewis không ngờ là người chủ tiếp tục nâng mức phí lên thành 6.300 USD, gần như gấp đôi “món hời” cô từng yêu thích.
|
Caroline Lewis đứng trước nguy cơ từ bỏ căn hộ đã thuê từ năm 2020. Ảnh: Clark Hodgin/The New York Times.
|
“Chúng tôi hoảng loạn với thông tin này. Cả bọn phải ngồi lại để bàn cách để không phải rời đi. Tôi đã cố gắng thuyết phục, nhưng chủ nhà vẫn không chịu thỏa hiệp. Gần đây, họ đưa ra đề nghị trị giá 5.800 USD. Dù con số này vẫn nằm ngoài khả năng chi trả, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài chấp nhận.
Lúc mới dọn đến, tôi nghĩ đã đến thời điểm ổn định cuộc sống. Giờ mọi thứ thay đổi hoàn toàn vì cơn bão giá thuê nhà này. Thật đáng buồn”, nữ nhân viên truyền thông chính trị nói thêm.
Tương tự, Kellie Johnson (39 tuổi) cũng chật vật với chuyện thuê chỗ ở. Cô phải chuyển nhà gấp, dù đang mang thai 8 tháng.
Thay vì nói rõ mức giá tăng thêm, chủ nhà chỉ nói sẽ thay đổi khoảng 30%. Điều này khiến vợ chồng Johnson hoang mang, khi hiện tại đã phải chi hơn 4.000 USD mỗi tháng cho căn hộ 2 phòng ngủ.
Để đảm bảo kinh tế cho việc sinh con, hai người đành chuyển đến nơi khác gần đó trước khi hợp đồng thuê nhà hết hạn.
“Phí thuê mới không hề rẻ, khoảng 5.000 USD. Nhưng việc rời đi vẫn khiến tôi đau lòng nhất. Vợ chồng tôi đã sống ở khu phố đó 8 năm nay và thân thiết với tất cả hàng xóm. Ước mơ xây dựng cuộc sống ổn định, lâu dài tại đó giờ đã tan biến. Tôi nghĩ mình sẽ ám ảnh về chuyện này mãi”, Johnson nói.
Theo Hồng Anh/Zing