Sinh ra ở vùng cát trắng Bình Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), từ bé Thương đã theo cha mẹ rong ruổi trên những chuyến hàng mang lên núi bán, và giờ chọn ở lại với vùng núi này với cô đó cũng là cái duyên.
Gia cảnh quá chật vật nên học hết lớp 8 Thương phải nghỉ học vào TPHCM giúp việc, rồi làm công nhân trong các khu công nghiệp ở đó. Cặm cụi làm từ sáng tới tối nhưng đồng lương công nhân thì èo uột, không khiến cuộc sống gia đình khá hơn được, cũng chẳng biết bao giờ mới làm chủ được cuộc sống của chính mình. Năm 22 tuổi, Thương quyết định trở về quê, tìm lên vùng núi Nam Trà My lập nghiệp. Ban đầu, cô mở tiệm tạp hóa nhỏ bán cho người dân địa phương. Tại đây, người dân bắt đầu mang đến những cây sâm Ngọc Linh, cây dược liệu thu được dưới tán rừng nhờ cô mang xuống xuôi bán.
|
Những chuyến phượt núi để khảo sát tìm vùng đất thích hợp trồng sâm và cây dược liệu dưới tán rừng. |
Khi cây sâm Ngọc Linh được chú ý cùng giá trị các cây dược liệu quý hiếm được nâng cao cũng chính là lúc phong trào người dân vào rừng tìm sâm bán cho thương lái một cách tràn lan. Lo lắng trước nguy cơ cây sâm Ngọc Linh bị khai thác quá mức, Thương nghĩ đến phương án trồng và bảo tồn loài dược liệu quý hiếm này.
Năm 2015, Thương bắt đầu chính thức trồng những gốc sâm đầu tiên. Dốc cả số vốn tích cóp bấy lâu cùng vay mượn người thân quen, Thương đầu tư được 50 cây con sâm Ngọc Linh gieo tại khu vườn sâu mà trước đó cô cùng nhiều người đã đi kiểm tra kỹ lưỡng, có thổ nhưỡng thích hợp để cây sâm phát triển.
Hơn 4 tiếng đồng hồ lội bộ để vào đến nơi, cô bắt đầu gieo những mầm cây đầu tiên. Nhưng chỉ sau một đêm, toàn bộ cây giống đã bị dế ăn trụi lủi. “Mình ngồi khóc ngon lành vì bao nhiêu vốn liếng đổ vào đấy cả. Sau đó thì thức thâu đêm để làm bọc mùng bảo vệ cho từng cây, tiếp tục chuỗi ngày ăn với sâm, ngủ với sâm, tìm đọc thêm những lý thuyết và gặp những người có kinh nghiệm thực tế để có phương án tốt nhất tránh những rủi ro” - Thương chia sẻ.
Vốn không nhiều, cô gái vùng cát trắng chọn cách “lấy ngắn nuôi dài”, đầu tư nâng dần quy mô vườn. Hiện cô sở hữu 600 gốc sâm Ngọc Linh ở nhiều độ tuổi, ươm những giống cây sâm con. Ngoài ra, cô cũng kết hợp trồng nhiều loại cây dược liệu khác như thất dịp nhất chi hoa; sâm 7 lá; giảo cổ lam… Với mong muốn bảo tồn giống sâm quý, Thương cũng tự tạo cho mình một vườn ươm nhỏ.
|
Nguyễn Thị Hồng Thương và củ sâm Ngọc Linh khủng. |
“Ai cũng biết giá trị dinh dưỡng của sâm, và vì thế sâm cho giá trị kinh tế rất cao. Nhưng nếu chỉ biết khai thác mà không bảo tồn thì sẽ đến lúc cây quý cạn kiệt. Mình vẫn luôn ấp ủ làm trại giống để bảo vệ nguồn gen quý. Tuy nhiên việc bảo tồn thì cần ý thức, chung tay của cả cộng đồng chứ một cá nhân không thể bảo tồn được” – Thương tâm sự.
Ngoài trồng sâm, cái tên Hồng Thương cũng nổi tiếng với những giao dịch bán những củ sâm khủng do người dân địa phương tìm được trên núi.
Tháng 6/2016, khi cha con ông Hồ Văn Hạnh (trú thôn 4, xã Trà Linh) tìm đến Thương bán củ sâm rừng khoảng 50 gam giá 1 triệu đồng. Với “con mắt nghề”, Thương quả quyết đây chỉ là một nhánh nhỏ của củ sâm và mách nước để hai cha con trở lại tìm cho được củ sâm tổ. Cô còn dặn, khi tìm thấy thì dùng điện thoại chụp ảnh củ sâm từ hiện trường rồi gửi kèm qua tin nhắn, từ đó cô tiếp tục đưa lên facebook.
Khi hai cha con ông Chiêu trở lại, bất ngờ đào được củ sâm “khủng” nặng gần 1kg, dài hơn nửa mét. Sau khi đăng thông tin trên trang facebook cá nhân, khách hàng đã liên hệ giao dịch. Củ sâm sau đó được bán với giá 200 triệu đồng khiến không chỉ cha con ông Chiêu mà nhiều người dân địa phương thán phục cô gái trẻ.
Nói về những dự định ấp ủ trong tương lai, Thương cho hay ngoài xây dựng trại giống về sâm cô sẽ nghiên cứu hướng để tạo ra các sản phẩm từ sâm và cây dược liệu. Hiện, cô đăng ký thành lập Cty TNHH Hải Long Thương chuyên các loại giống và các loại dược liệu núi Ngọc Linh.
Để biến ước mơ của mình thành hiện thực, Thương thuê 3 thanh niên trong làng thay mình trông coi, chăm sóc vườn sâm, dược liệu. Ngoài trả công theo tháng, cô tạo cho mỗi người sở hữu 30 - 50 cây sâm con, khuyến khích các bạn cùng khởi nghiệp.
“Thương là một trong những người trẻ có sáng kiến, ý tưởng táo bạo, dám nghĩ dám làm. Việc Thương lựa chọn phát triển cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh dưới tán rừng và ý thức bảo tồn loài sâm này là rất đáng quý”.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nhận định về cô gái trẻ Nguyễn Thị Hồng Thương.
Theo Hoài Văn/Tiền Phong