Kết thúc phiên 10/5, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam đã hồi phục và tăng trần lên mức 93.000 đồng/cp, tăng 6.000 đồng/cp so với giá đóng cửa phiên giao dịch trước đó, tổng khối lượng giao dịch hơn 8 triệu đơn vị.
Với hơn 2 tỷ cổ phiếu VNM đang lưu hành, ước tính vốn hóa của Vinamilk tăng lên 12.000 tỷ đồng trong phiên, lên gần 194.366 tỷ đồng.
Một điểm tích cực nữa là khối ngoại đã quay lại mua ròng hơn 600.000 đơn vị VNM trong phiên này sau một thời gian dài ròng rã bán ròng.
|
Cổ đông VNM đã vui trở lại. |
Theo dõi thị trường, trong suốt nhiều phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu VNM của Vinamilk khá làm phiền lòng cổ đông kể cả cổ đông lướt sóng hay cổ đông nắm giữ trung và dài hạn.
Trong khoảng thời gian ngắn, VNM liên tục rớt mốc 100.000 đồng/cp (ngày 8/4) và chính thức mất mốc 90.000 đồng/cp (ngày 6/5) rơi về mức 87.000 đồng/cp (ngày 7/5).
Nhà đầu tư nước ngoài bán ra ròng rã ở VNM là một trong những sức ép quan trọng khiến cổ phiếu này phá đáy. Một trong những yếu tố khiến cổ phiếu VNM dần bị nhà đầu tư nước ngoài “buông tay” đến từ khả năng tăng trưởng cao còn bỏ ngỏ.
Giới đầu tư cho rằng Vinamilk đang dần chững lại khi thị trường sữa trong nước có dấu hiệu bão hòa và sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng sữa có tiềm lực và danh tiếng trên thế giới.
Hoạt động kinh doanh cải thiện trong tháng 4 vừa qua
Trong cuộc họp trực tuyến với nhà đầu tư mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thông tin rằng Ban lãnh đạo Vinamilk cho biết kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 4/2021 cải thiện so với quý 1/2021 và kế hoạch tăng giá bán vào tháng 5 để cải thiện biên lợi nhuận gộp trong bối cảnh giá đầu vào tăng.
Hoạt động kinh doanh của Vinamilk cải thiện trong tháng 4 so với quý 1/2021. Theo ban lãnh đạo, tổng doanh thu tăng 4,3% so cùng kỳ vào tháng 4/2021, trong đó doanh thu sữa trong nước ngoại trừ GTN không đổi so với cùng kỳ (so với mức -9% trong quý 1/2021), doanh thu của MCM tăng 13,6% (so với -2% trong quý 1/2021) và xuất khẩu tăng 35% (so với +8% trong quý 1/2021).
Ban lãnh đạo cho biết rằng xuất khẩu tăng là do VNM có khả năng tận dụng sự gián đoạn hoạt động do dịch COVID-19 đối với hoạt động của các nhà sản xuất sữa khác tại thị trường xuất khẩu tương ứng.
Trong khi đó, Angkor Milk (công ty con của VNM tại Campuchia) đã công bố mức tăng doanh thu 5% trong 4 tháng đầu năm 2021, chậm hơn tốc độ 2 chữ số trong quý 1/2021 do các ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở Cambodia bắt đầu gây ra sự gián đoạn cho nền kinh tế của quốc gia này.
Anh Nhi