Mời quý độc giả xem video Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất cửa hàng Khaisilk ở 113 phố Hàng Gai, Hà Nội. Nguồn: FB Đăng Như Quỳnh:
Sau khi vụ việc Tập đoàn Khaisilk bán hàng Trung Quốc nhưng gắn mác Việt Nam bị phanh phui, nhiều người tiêu dùng cho rằng, đây là hành vi lừa đảo khách hàng một cách có hệ thống trên quy mô lớn trong một thời gian dài và tập đoàn này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.
Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là: Nếu vi phạm luật pháp, Khaisilk sẽ bị xử lý như nào? Để làm rõ vấn đề này, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đăng Văn Cường – Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp và Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng Luật sư InterLa, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Khaisilk có dấu hiệu buôn bán hàng giả
Bày tỏ quan điểm với Kiến Thức, Luật sư Đăng Văn Cường cho rằng, đối với lô hàng 60 khăn của Công ty V đặt mua tại cửa hàng Khải Silk 113 Hàng Gai, Hà Nội trong đó có một sản phẩm đồng thời có hai mác là “Made in VietNam” và "Made in China" cùng với 59 sản phẩm khác có dấu vết nghi cắt xén mác cũ để gắn mác mới rõ ràng là lô hàng trái pháp luật.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 nghị định quy định chi tiết luật thương mại về xuất xứ hàng hóa: “Xuất xứ hàng hóa” là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.
Như vậy, trong trường hợp nếu Tập đoàn Khaisilk sản xuất khăn lụa tại Việt Nam nhưng gắn mác Made in China trên sản phẩm (theo lý giải của đại diện cửa hàng Khaisilk Hàng Gai) là không phù hợp với quy định pháp luật.
|
Chiều 26/10, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra đột xuất cửa hàng Khaisilk ở 113 phố Hàng Gai, Hà Nội. Ảnh cắt clip FB Đăng Như Quỳnh. |
Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hành cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau:
"Hàng giả” gồm: a) Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;..
đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
e) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa”…”
Do đó, nếu khăn lụa Khaisilk là hàng Trung Quốc (theo thừa nhận của ông chủ Khaisilk) mà lại gắn mác thương hiệu Việt Nam, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải điều tra làm rõ thêm để xác định có dấu hiệu của hàng giả hay không và có biện pháp xử lý thích hợp.
Cùng quan điểm với Luật sư Cường, Luật sư Trương Quốc Hòe bày tỏ, nếu có kiểm định mẫu khăn lụa Khaisilk mà Công ty V đã gửi tới cơ quan có thẩm quyền chứng minh, chất lượng mẫu khăn chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn thì Khaisilk đã vi phạm theo Điểm b, Khoản 8, Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định về hàng giả:
“b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;”.
Đối chiếu với quy định của pháp luật, Khaisilk có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 8 Điều 3, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị của hàng hóa theo quy định tại Điều 11 Nghị định 185/2013/NĐ-CP.
Ngoài ra, Khaisilk còn có thể bị xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1 - 3 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm và yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi.
Bên cạnh đó, theo quan điểm của Luật sư Đăng Văn Cường, đối với hành vi sản xuất, buôn bán khăn lụa giả mạo nhãn hàng hóa về nơi xuất xứ thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính Phủ, theo đó hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa có mức xử phạt lên tới 45.000.000 đồng; ngoài ra, còn thể có hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả…
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Cũng theo Luật sư Cường, về xử lý hình sự, căn cứ vào mức độ, tính chất hậu quả hành vi vi phạm hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 1999.
Theo đó mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo Bộ luật Hình sự 2015 sắp có hiệu lực, các quy định xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả được thắt chặt hơn. Tại Điều 192 về tội sản xuất buôn bán hàng giả quy định pháp nhân vi phạm có thể bị đình chủ hoạt động vĩnh viễn đồng thời có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng.
Ngày 26/10, Bộ Công Thương đã có công văn số 641/VP-THCC đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ vụ việc liên quan đến xuất xứ hàng hóa của Tập đoàn Khaisilk.
Nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý. "Đề nghị Cục khẩn trương báo cáo Bộ trưởng trước ngày 28/10" - Bộ trưởng yêu cầu.
Chiều cùng ngày, đoàn kiểm tra gồm các thành viên liên ngành Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), Bộ Công Thương, công an đã tới kiểm tra, làm việc tại cửa hàng của Tập đoàn Khaisilk tại 113 Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng Khaisilk ở 113 Hàng Gai đóng cửa. Đoàn kiểm tra đã thu giữ 52 mẫu sản phẩm khác nhau gồm: khăn, quần áo, caravat... với tổng trị giá trên 30 triệu đồng.
Bảo Ngọc