Sau chục năm thuê nhà, vợ chồng chị Ngọc Bích (quê ở Thái Bình) tiết kiệm được 800 triệu đồng. Nhà chị có kế hoạch mua căn hộ chung cư khoảng 2 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng thu nhập của hai vợ chồng là 30 triệu đồng/tháng và có một con nhỏ.
Như vậy, chị phải vay tới 1,2 tỷ đồng mới đủ khả năng mua nhà. Chị đang khoăn khoăn về kế hoạch tài chính thế nào để vừa mua được căn nhà đầu tiên, vừa đảm bảo chi tiêu và trả nợ hàng tháng.
Bà Nguyễn Thị Thùy Chi, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT có những tư vấn cho chị Bích.
Có 800 triệu đồng, nhiều người băn khoăn nên vay ngân hàng mua nhà hay tích lũy thêm.
Chia sẻ với PV VietNamNet, bà Chi cho hay, do chưa nắm được tuổi tác, công việc, độ ổn định của thu nhập, chi phí hàng tháng, các tài sản khác đang có, tình hình nợ vay khác của gia đình chị Bích… chuyên gia sẽ tập trung vào khía cạnh tiết kiệm để trả nợ vay và việc quản lý rủi ro khi vay.
Với gia đình trẻ, có một con nhỏ như gia đình chị Bích, thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng, mức tiết kiệm tốt nhất để vừa đảm bảo thực hiện được mục tiêu tài chính vừa đáp ứng các nhu cầu chi tiêu trong cuộc sống sẽ khoảng 30 – 40% thu nhập.
Mỗi tháng gia đình chị Bích cần tiết kiệm được số tiền từ 9 – 12 triệu đồng. Mức tiết kiệm 12 triệu đồng/tháng cần khá nhiều kỷ luật của gia đình.
Bà Chi phân tích, giả sử chị Bích vay với mức lãi suất chỉ 8%/năm, thời hạn vay 25 năm thì số tiền trả gốc và lãi hàng tháng đã là 12 triệu đồng/tháng trong những năm đầu tiên vay nợ.
Việc dùng 100% số tiền có thể tiết kiệm hàng tháng để trả ngân hàng, khiến bạn sẽ không còn một khoản “co giãn” dự phòng cho những trường hợp lãi suất biến động, những thay đổi trong cuộc sống khiến chi phí tăng lên, cũng như không có cơ hội để đầu tư vào những tài sản khác… Đây là một điều rất rủi ro cho gia đình chị.
Ngoài ra, với tỉ lệ trả nợ vay hàng tháng cao hơn 30% thu nhập như vậy, chị sẽ gặp rủi ro nếu có những trục trặc trong công việc hay vì một nguyên nhân nào khác khiến thu nhập bị giảm sút.
Xét về bức tranh tài chính cá nhân toàn diện, chị Bích còn cần phải xem xét các nhu cầu sử dụng tiền như tiền biếu bố mẹ hai bên, có kế hoạch sinh em bé thứ hai, hay thậm chí là tiền mua sắm nội thất vật dụng khi chuyển từ nhà thuê sang nhà thuộc sở hữu của mình… Hay nhu cầu dự phòng tài chính như đã có quỹ dự phòng hay bảo hiểm nhân thọ chưa?
Với tất cả những yếu tố trên, bà Chi khuyên vợ chồng chị Bích nên chờ một thời gian tích lũy thêm, hoặc lựa chọn căn hộ có giá trị thấp hơn nếu khả thi, có thể chọn mua nhà trên dưới 1,5 tỷ đồng.
Trường hợp nhu cầu nhà ở là quá cấp thiết với gia đình chị và mức giá 2 tỷ đồng là tối thiểu vợ chồng chị có thể chấp nhận được, chị phải đảm bảo chuẩn bị hết các phương án dự phòng nêu trên trước khi vay.
Đặc biệt, một yếu tố chị Bích phải đảm bảo, đó là khả năng tăng trưởng về thu nhập của hai vợ chồng trong tương lai. Nếu thu nhập có nhiều tiềm năng tăng khoảng 10% - 20% trong 1 - 2 năm tới thì rủi ro của vợ chồng chị khi vay nợ ngân hàng sẽ cân bằng lại.
Theo Nguyễn Lê/Vietnamnet